Di sản Cố đô Huế: Trùng tu và bảo tồn
Thách thức trong bảo tồn mộc bản | |
Bảo tồn thư tịch cổ Chăm | |
Chung tay gìn giữ cội nguồn dân tộc |
Thách thức từ thực tiễn
Huế đẹp và trữ tình với những di sản văn hóa độc đáo mà nhiều người ao ước viếng thăm. Hơn thế Huế là đất Cố đô có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, với hơn 1400 công trình kiến trúc thuộc 32 cụm di tích, bao trùm lên toàn bộ diện tích của TP. Huế cùng với hai thị xã và hai huyện lân cận. Không ít lần đến mảnh đất này, tôi cứ say sưa tham quan các di tích, nghiền ngẫm những câu chuyện văn hóa mà con người và thiên nhiên nơi này gây dựng nên qua hàng trăm năm lịch sử. Thế nhưng, lòng tôi cũng tiếc vì ngay cả nơi được cho là gìn giữ, bảo tồn, trùng tu di tích tốt nhất cả nước cũng đã để xảy ra tình trạng nhiều di tích xuống cấp, mất đi.
Đại nội Huế |
Xét về các yếu tố khách quan, như những năm chiến tranh khiến không ít công trình thành phế tích. Điện Cần Chánh, Trấn Bình Đài, các khu lăng tẩm… bị bom đạn tàn phá nặng nề. Không những thế, thời gian, mưa nắng liên tục gặm ngấm vào quần thể Di tích Cố đô Huế. Năm 1953 và 1971, tại Huế đã xảy ra hai trận lũ lớn làm cho các di tích đứng trước nguy cơ thành… phế tích. Sau năm 1975 khi chiến tranh kết thúc, toàn bộ quần thể di tích hư hỏng nặng. Tiếp đó, năm 1985 một trận bão và năm 1999 là trận lũ lịch sử đã càn quét, khiến nhiều di tích bị hư hại. Hay như thời bao cấp, cả khu vực Hoàng Thành Huế ngập chìm trong cỏ dại, không được quan tâm. Người dân tự do chăn thả trâu bò, tìm phế liệu đem bán, trên tường thành không ít người dân dựng nhà, trồng rau khiến quần thể kiến trúc cung đình Huế vốn đã xuống cấp càng trở nên hoang tàn, đổ nát.
May thay, cộng đồng quốc tế đã không quên Huế. Đặc biệt UNESCO, vào năm 1981 đã kêu gọi cứu vãn và phát động một cuộc vận động chung tay bảo tồn di tích Huế. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế được chính thức thành lập vào năm 1982 với tên gọi lúc đầu là Công ty Quản lý Lịch sử Văn hóa Huế. Năm 1993 đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Một niềm vui khác, năm 1993 quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Những năm sau đó, nhiều công trình hư hỏng tiếp tục được tu sửa như Hiển Lâm Các, Thái Hòa Điện, Kỳ Đài, Ngọ Môn, Long An Điện… Sau nhiều năm tích cực thực hiện công tác khôi phục, di tích Huế từng bước được “hồi sinh”.
Gian nan và công phu
Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, công tác bảo tồn, trùng tu di tích Huế đã mang lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào việc thu hút khách tham quan đến Huế, tăng nguồn doanh thu dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân đối với Huế.
Trải nghiệm phút giây làm vua tại Huế |
Song, suốt mấy chục năm qua, có thể nói sự xâm thực của thời gian, thời tiết, vấn đề thiếu vốn đã ảnh hưởng lớn đến công tác tu bổ, trùng tu. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tính toán, trong khoảng hơn 30 năm qua, các nguồn tài trợ quốc tế cho việc trùng tu di tích Huế đạt khoảng 6 triệu USD; cộng thêm kinh phí hàng năm từ Trung ương và địa phương, chỉ mới đáp ứng phần nào yêu cầu trùng tu các di sản.
Hơn nữa, đến thời điểm này vẫn còn hơn 3000 hộ dân sống trong vùng quy hoạch của di tích. Tình trạng vi phạm, lấn chiếm diễn ra nhiều nơi, tạo áp lực cho di tích như khu vực Hộ Thành Hào, Thượng Thành, Đàn Xã Tắc, Eo Bầu... Việc phát huy, khai thác các giá trị di sản còn hạn chế so với tiềm năng di sản, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn của các cấp, các ngành và địa phương.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng, một thời gian dài các di tích ở Huế bị lãng quên. Thậm chí đến bây giờ cũng có những di tích chưa được trùng tu, bảo tồn. Không chỉ là yếu tố thời gian, con người và cuộc sống đổi thay, mà còn cả vấn đề kinh tế cũng trở thành một thách thức lớn trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích Huế.
Theo quan sát của tôi, hiện nay một số nhà vườn Huế, đình làng An Cựu, nhà cổ đang xuống cấp. Rồi nhiều công trình đang “khát vốn nằm hấp hối chờ trùng tu, như: Thái Miếu (Đại Nội), Khiêm Cung Môn, Hòa Khiêm Điện, Lương Khiêm Điện, Ôn Khiêm Đường, Minh Khiêm Đường (Lăng Tự Đức), Nghinh Lương Đình, Hổ Quyền, Điện Voi Ré, hai khu di tích văn hóa Chăm…
Xét đi thì cũng phải xét lại, công tác trùng tu di tích tại Huế là việc lâu dài và còn rất nhiều khó khăn mà chỉ riêng tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ không làm được. Các cụm di tích tại Huế cần sự trợ giúp của các cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa và bản thân những người làm công tác văn hóa tại Huế. Họ cần tư duy tổ chức, làm đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ để thu hút du khách, lấy nguồn thu từ bán vé tham quan di tích dùng cho công tác trùng tu các công trình.
Công tác trùng tu di tích, tuyệt đối không thể nói suông. Đó là những công việc đòi hỏi tâm huyết, sự tỉ mỉ, đồng thời cần nguồn kinh phí vô cùng lớn. Nếu chỉ nhìn giản đơn thì không thấy hết khó khăn trong công tác trùng tu, gìn giữ và bảo lưu những nét cổ kính trong di tích tại Huế. Công việc buộc các nhà chuyên môn không chỉ trùng tu, làm lại, mà cần phải chăm sóc để không gian luôn bảo đảm yếu tố cổ kính, đậm chất kiến trúc triều Nguyễn. Nói ngay như chuyện tìm giống cây, bảo đảm loài cây đã từng có ở các di tích, trong các khu vườn Thượng uyển cũng là một thách thức.
Bởi kiến trúc di tích Huế không phải là một kiến trúc kinh đô lộng lẫy, sa hoa với những công trình xây dựng đồ sộ cầu kỳ mà Cố đô Huế là một quần thể kiến trúc cảnh quan, mang đậm sắc thái hoài niệm vương vấn. Chính cảnh quan đã tạo ra cảm quan trong lòng du khách khi đến Huế tìm hiểu. Để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi các khu vườn Thượng uyển, năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã cho đầu tư lập “Vườn sưu tập nhân giống, bảo tồn các giống cây di tích”. Những nỗ lực ấy cho chúng ta tin rằng, các di tích của Cố đô sẽ được bảo lưu lâu dài, bảo tồn trọn vẹn những giá trị mang tính lịch sử thời gian để danh thắng này xứng mãi là di tích lịch sử văn hóa của đất nước.
Suốt hơn 20 năm qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong công tác trùng tu, bảo tồn quần thể các di tích Cố đô Huế. Những cung điện, đền đài… của vùng đất từng là kinh đô nước ta từ năm 1802 đến 1945 đã được tôn tạo, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Song trong lòng Huế không chỉ có vậy. Huế còn nhiều di tích khác làm nên hồn cốt và văn hóa Huế, là những di tích được coi như “vệ tinh” của cung đình triều Nguyễn đã bị hư hỏng nặng và không phải di tích nào cũng được quan tâm kịp thời. |