Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL: Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Vị trí quan trọng, tiềm năng có thừa….
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là vựa lúa của cả nước mà vùng kinh tế trọng điểm này còn có bờ biển chiếm trên 10% chiều dài bờ biển cả nước; thềm lục địa có thế mạnh về hải sản; hàng trăm nghìn ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Vùng Kinh tế trọng điểm ĐBSCL có vị trí địa lý rất quan trọng trong giao thương với miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, và đặc biệt là với thị trường Campuchia, Thái Lan.
Chính vì thế, đồng chí Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, mục tiêu chính trong phát triển kinh tế vùng là: Xây dựng, phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước.
Đây cũng sẽ là địa bàn, cầu nối để chúng ta chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội…
Lãnh đạo BIDV cam kết sẽ tăng tổng dư nợ tín dụng tại khu vực ĐBSCL từ 30 - 35 nghìn tỷ đồng hiện nay, lên 115 nghìn tỷ vào năm 2018 |
Vậy làm thế nào để khai thác tiềm năng, phát huy vị trí, vai trò quan trọng của vùng ĐBSCL?. Câu hỏi này được trả lời phần nào tại hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030” được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ cuối tuần qua.
Đồng chí Vũ Văn Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đến tham dự và chỉ đạo. Hội thảo còn có sự tham dự của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh thành và gần 170 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và DN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về một số vấn đề lớn như: Định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Thực trạng hoạt động sản xuất, thu mua, và xuất khẩu nông thủy sản vùng ĐBSCL giai đoạn 2011- 2015 và định hướng phát triển trong thời gian tới…
Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng, vai trò, vị trí của vùng ĐBSCL lớn, quan trọng. Nhưng nếu không có vốn đầu tư để triển khai những dự án, công trình trọng điểm thì kinh tế vùng sẽ khó có bước phát triển vượt bậc. “Có thực mới vực được đạo”, do đó vai trò của các nhà đầu tư nói chung và của ngân hàng rất quan trọng.
Về phía ngành Ngân hàng, bên cạnh các chính sách chung, NHNN đã phối hợp với các Bộ, Ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của khu vực ĐBSCL như: Chương trình cho vay thí điểm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết với lãi suất cho vay ưu đãi.
Hàng năm, các TCTD tích cực triển khai chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá lúa trong thời kỳ thu hoạch của nông dân. Ngoài ra, các TCTD đã triển khai nhiều chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm; hỗ trợ cho người nuôi tôm và cá tra; cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp...
Đến ngày 30/6/2015, huy động vốn của cả vùng ước đạt 295.000 tỷ đồng; Dư nợ cho vay của các TCTD đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chiếm gần 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Những nỗ lực của ngành ngân hàng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực của kinh tế vùng ĐBSCL.
Chìa khóa cho phát triển kinh tế vùng?
Nguồn vốn ngân hàng đã làm thay đổi diện mạo của khu vực ĐBSCL thông qua việc đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối vùng với cả nước như dự án sân bay Cần Thơ, cầu Cần thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu… Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã hình thành và phát triển vùng chuyên canh hàng hoá, từng bước gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Võ Minh Tuấn Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, chính sách tín dụng cho khu vực ĐBSCL vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, đòi hỏi sự đột phá mới cả về cơ chế, chính sách. Về tổng thể, tín dụng cho nông nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn.
Đơn cử, huy động vốn của các TCTD trên địa bàn chỉ đáp ứng 60% - 70% nhu cầu nguồn lực dành cho nông nghiệp, nông thôn, nên các TCTD phải chủ động điều động vốn từ các địa phương khác.
Và thực tế là, đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực tam nông luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro (tỷ lệ nợ xấu của vùng ĐBSCL chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của khu vực).
Trong khi đó, nguồn lực nhà nước dành để xử lý rủi ro cho nông nghiệp còn thấp, chưa có cơ chế rõ ràng, chủ yếu là xử lý vụ việc xảy ra. Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai thí điểm nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ còn chậm, thiếu chặt chẽ…
Với tiềm năng của vùng ĐBSCL cũng như thực trạng kinh tế, xã hội vùng hiện nay, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế về quản lý và điều hành trong các lĩnh vực như: đất đai, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực; chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.
Giao thông chính là yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế vùng. Vì thế các đại biểu kiến nghị cần tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không; ưu tiên vốn đầu tư các công trình trọng điểm, huyết mạch liên vùng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội…
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, các DN đã đề xuất: Chính phủ, các Bộ, Ngành cần có chính sách nhằm thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế giữa 4 tỉnh, thành phố trong vùng (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và tỉnh Cà Mau); và giữa vùng kinh tế trọng điểm với các tỉnh, thành khác...
Tại Hội thảo lần này, BIDV tham gia với ba vai trò: Đơn vị có sáng kiến khởi xướng, đồng tổ chức và tài trợ Chương trình Hội thảo.
Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho biết: cùng với việc tiếp tục cung ứng nguồn vốn lớn cho khu vực ĐBSCL, BIDV sẽ có những tư vấn độc lập về định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương nói riêng và toàn bộ vùng ĐBSCL nói chung. BIDV cam kết sẽ hỗ trợ tích cực việc triển khai công tác xúc tiến đầu tư cũng như kêu gọi, thu hút DN đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực ĐBSCL. Là vùng kinh tế trọng điểm nhưng đời sống của người dân ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Đặc biệt hạ tầng về giáo dục, y tế còn thiếu thốn.
“Trong công tác an sinh xã hội, chúng tôi sẽ tập trung cho lĩnh vực y tế và giáo dục, nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc hoàn thành dứt điểm các mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Chính phủ, tiến tới xóa bỏ hẳn tình trạng trắng điểm trường, trắng điểm y tế tại các địa phương đặc biệt khó khăn của vùng ĐBSCL” - ông Trần Bắc Hà khẳng định. Lãnh đạo BIDV cam kết tăng tổng dư nợ tín dụng tại khu vực ĐBSCL từ 30 - 35 nghìn tỷ đồng hiện nay, lên 115 nghìn tỷ vào năm 2018 và tăng lên 160 nghìn tỷ vào năm 2020.
Để hiện thực hóa những kế hoạch của mình, ngay tại hội thảo, BIDV đã tiến hành ký hàng loạt thoả thuận nguyên tắc tài trợ cho nhiều dự án lớn: dự án BOT quốc lộ 1 tại Sóc trăng, Bạc liêu; tài trợ vốn lưu động trong lĩnh vực thủy sản cho Nhóm Công ty TNHH Nam Hải - Thanh Thế - Cổ Chiên; tài trợ vốn trong lĩnh vực y tế cho Công ty TNHH Bệnh viên Đa khoa Thanh Vũ Medic... Tổng giá trị các Thoả thuận hợp tác được ký kết với trị giá 2.509 tỷ đồng.
Công đoàn BIDV đã trao tặng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam bộ 3 tỷ đồng. BIDV cũng cam kết dành 10 tỷ đồng tài trợ không hoàn lại cho chương trình hỗ trợ kỹ thuật khai thác các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng chế biến thuỷ hải sản; ký thoả thuận tài trợ 10 tỷ đồng cho chương trình hợp tác đào tạo kiến thức hội nhập và kỹ năng quản trị công cho đối tượng công chức trẻ thành phố Cần Thơ. |