Thúc đẩy đầu tư xanh và tài chính xanh hướng tới mục tiêu “Net Zero” tại Việt Nam
Tìm giải pháp đột phá cho thị trường tài chính xanh Đầu tư xanh, tài chính xanh - nền tảng cho mục tiêu Net Zero Tín dụng xanh: Chờ tiêu chí, cơ chế để tăng tốc |
Thời gian qua, thế giới ngày càng chứng kiến nhiều kỷ lục về nhiệt độ cực đoan cũng như tình trạng thiên tai lan rộng do biến đổi khí hậu gây ra từ cháy rừng đến lũ lụt và sự tàn phá của những cơn bão. Với địa lý đặc biệt, Việt Nam cũng đứng trước những nguy cơ rất lớn về thảm họa thiên nhiên, từ bão lũ đến ngập úng, và tất cả đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như đời sống của hàng triệu người dân.
Thống kê cho thấy những thiệt hại do thiên tai gây ra đã gia tăng đáng kể, chiếm khoảng 1,5% GDP hàng năm. Theo đó, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế không chỉ của Việt Nam mà của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. 1.000 tỉ USD mỗi năm là con số mà từ nay đến năm 2035 các nền kinh tế trên thế giới cần để giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là mục tiêu tài chính khí hậu đang được đặt ra trong đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29).
Còn theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với chống biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, trong đó 65% nhu cầu này sẽ phải được huy động ngoài khu vực công. Đặc biệt, với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành tài chính về tăng trưởng xanh như xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan, trọng tâm là phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Đề án Phát triển thị 2 trường carbon tại Việt Nam trên cơ sở phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan có liên quan.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tuy nhiên, tài chính xanh đã được triển khai tại Việt Nam khoảng 10 năm nhưng quy mô còn khiêm tốn (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu xanh còn rất ít…). Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Tại khu vực miền Nam, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm chính trị - kinh tế - tài chính lớn của cả nước, nhưng cũng được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Kết quả nghiên cứu gần đây do Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố là hơn 60 triệu tấn CO2. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai; đồng thời đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 nhằm xây dựng một môi trường sống, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.
Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 31 về định hướng phát triển thành phố và gần đây là Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đây là những định hướng, khung pháp lý để thành phố có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhằm triển khai quá trình chuyển đổi xanh được nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn. Để thực hiện các mục tiêu này, với những đặc thù và điều kiện thuận lợi, TP. Hồ Chí Minh tham vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực cần hướng đến mô hình trung tâm tài chính thế hệ mới, thu hút nguồn tài chính xanh.
Bộ Chính trị mới đây đã đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 28/10, trong Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - UAE tại thành phố Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam có kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.