Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Việt Nam sẽ sớm đạt mục tiêu
Dự báo đến năm 2020, tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt giảm xuống dưới 10% | |
Chỉ còn 3 trường hợp được giải ngân vốn vay bằng tiền mặt |
Ông Sean Preston |
Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%. Theo ông, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra?
Đây là một tầm nhìn mang tính chiến lược của Chính phủ Việt Nam, hướng đến một xã hội văn minh, hiện đại. Mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 10% hoàn toàn có thể đạt được cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thanh toán đa dạng, không dùng tiền mặt dần thay thế hình thức thanh toán truyền thống.
Cụ thể, người dùng hiện nay khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ từ nhà hàng, khách sạn, đi du lịch cho đến mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện ích, di chuyển bằng phương tiện công cộng đã sử dụng thanh toán thẻ cũng như một số phương tiện thanh toán phi tiền mặt thông qua điện thoại di dộng, internet...
Xu hướng này ngày càng phát triển cùng với việc gia tăng các điểm chấp nhận thẻ, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người sử dụng các phương tiện công nghệ như một phần không thể thiếu được trong cuộc sống. Điều này dần hình thành và thay đổi thói quen trong mua sắm, tiêu dùng, sử dụng dịch vụ cùng hình thức thanh toán đi kèm.
Một nghiên cứu mới đây của Tonula cho thấy, 90% người tiêu dùng Việt Nam có hứng thú với phương thức thanh toán mới, 80% người tiêu dùng sẵn sàng sử dụng smartphone để thanh toán, 60% người dùng đã từng sử dụng thiết bị di động để tìm kiếm, mua sắm online, 44% người tiêu dùng chấp nhận thanh toán điện tử bằng những thiết bị kết nối internet, 83% người tiêu dùng sẽ lựa chọn thanh toán không tiếp xúc thay cho tiền mặt
Tuy nhiên, thực tế hiện nay người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang sử dụng thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu. Theo ông, điều gì giúp thay đổi thói quen này?
Trước tiên, việc thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng là yếu tố vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu đề ra. Việc truyền thông, đưa thông tin về cách thức sử dụng an toàn thuận tiện, lợi ích đem lại của những phương thức thanh toán mới đối với mỗi cá nhân, DN, tổ chức ngân hàng, cộng đồng xã hội sẽ tạo lập tiền đề cho sự thay đổi.
Đồng hành với đó, cần phải không ngừng gia tăng thêm các điểm chấp nhận thẻ, thiết bị đầu cuối, những nơi chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng rộng rãi và hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày để người tiêu dùng cảm thấy gần gũi và thuận tiện hơn trong việc sử dụng khi có nhu cầu.
Mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 10% hoàn toàn có thể đạt được |
Ông có thể nói rõ hơn lợi ích đối với người tiêu dùng, DN, nền kinh tế khi hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến?
Có thể dễ dàng nhận thấy lợi ích to lớn đối với xã hội và nền kinh tế của một đất nước khi hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến hơn. Cụ thể, đối với người tiêu dùng khi có nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ không phải mang theo nhiều tiền mặt sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, việc chi tiêu qua thẻ giúp người dùng dễ dàng kiểm soát được tài chính khi biết được mình đã mua sắm, tiêu xài bao nhiêu, cho việc gì, ở đâu, cũng như số dư còn lại trong tài khoản để có kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn.
Đối với những điểm chấp nhận thẻ, các DN, công ty, nhà hàng, khách sạn sẽ có lợi thế hơn trong việc kinh doanh vì thu hút thêm lượng khách mới. Dễ dàng nắm bắt được đối tượng thường xuyên lui tới giao dịch với cửa hàng của DN mình là ai, chi tiêu như thế nào, thích loại sản phẩm, dịch vụ gì... để từ đó có kế hoạch chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Việc quản lý dòng tiền trong hoạt động kinh doanh cũng rõ ràng, thuận tiện hơn. Việc mua sắm, chi tiêu dễ dàng sẽ làm gia tăng sức cầu, tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành xã hội. Nhìn rộng hơn, khi sự luân chuyển của dòng tiền trong xã hội trở nên rõ ràng, minh bạch sẽ thu hút nhà đầu tư tham gia. Còn đối với cơ quan nhà nước thuận tiện quản lý, thu thuế, hoạch định đường hướng phát triển trong tương lai.
Tại thị trường Việt Nam, Visa có những hoạt động nào tham gia thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt?
Đầu năm nay, Visa hợp tác với Sacombank để ra mắt công nghệ thanh toán không tiếp xúc Visa payWave cho phép chủ thể thanh toán đơn giản bằng cách chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thẻ, không cần ký tên hay nhập mã pin trong trường hợp giao dịch dưới 1 triệu đồng.
Công nghệ này đã được áp dụng tại các chuỗi bán lẻ Big C, Citimart, Nguyễn Kim và sắp tới là Saigon Co.op. Dự kiến, sắp tới các công nghệ thanh toán di động như Samsung Pay và mVisa sẽ tiếp tục ra mắt nhằm mang đến cho người dùng Việt Nam phương thức thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi.
Ngoài ra, như đã trao đổi ở trên, việc đưa thông tin đến người tiêu dùng để thay đổi nhận thức vô cùng quan trọng. Vì vậy từ năm 2012, Visa đã đưa chương trình giáo dục kiến thức tài chính tại các trường đại học nhằm giáo dục sinh viên, học sinh cách quản lý ngân sách, tiết kiệm tiền và chi tiêu một cách hợp lý. Trong suốt 5 năm, chương trình kỹ năng quản lý tài chính đã tiếp cận hàng triệu bạn trẻ khắp Việt Nam nhằm trang bị cho họ những kỹ năng tài chính.
Cảm ơn ông!