Dự báo đến năm 2020, tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt giảm xuống dưới 10%
NAPAS và BC CARD – Hàn Quốc ký thỏa thuận hợp tác | |
Thu phí tự động không dừng: Lợi sao không làm? | |
Hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt |
Trong khuôn khổ Hội nghị Seamless Việt Nam 2017, ngày 9/6 tại TP.HCM, đại diện NHNN Chi nhánh TP.HCM và một số NHTM trên địa bàn đã phối hợp tổ chức tọa đàm nhanh về chủ đề: “Phát triển thanh toán thẻ, ứng dụng công nghệ mới để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP.HCM”.
Đề dẫn phiên tọa đàm, ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM thông tin rằng, đến thời điểm hiện nay hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã có sự phát triển khá nhanh chóng.
Ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM (giữa) chủ trì tọa đàm |
Theo thống kê, hiện đã có 65 NHTM cung ứng dịch vụ Internet Banking, 35 NHTM cung ứng dịch vụ Mobile Banking và nhiều tổ chức trung gian cung ứng các dịch vụ thanh toán điện tử. Nhờ sự phát triển nhanh của dịch vụ thanh toán điện tử, hiện tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán giảm còn khoảng 12% từ mức hơn 14% của năm 2010. Với tốc độ phát triển như hiện nay, theo ông Cường đến khoảng năm 2020 tỷ trọng này sẽ đạt thấp hơn 10%.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hoạt động kết nối thanh toán với các đơn vị khách hàng DN lớn và phát triển các dịch vụ thanh toán các dịch vụ công, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Ngân hàng điện tử VietinBank cho biết, yếu tố cạnh tranh đầu tiên là mức thu phí thanh toán của các NHTM phải đạt được mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ phục vụ thanh toán điện tử phải luôn đảm bảo về yêu cầu an toàn, bảo mật và nhanh chóng.
Những năm gần đây, VietinBank đi đầu trong việc cho ra đời nhiều hình thức thanh toán mới như dùng mã QRCode, cung cấp mua sắm trực tuyến ngay trên ứng dụng ngân hàng, thanh toán học phí, viện phí. Ngoài ra, đơn vị còn liên tục hoàn thiện đội ngũ chuyên môn trong việc đàm phán và xử lý linh hoạt các yêu cầu liên kết thanh toán của khách hàng. Chính vì vậy, đơn vị nhận được khá nhiều hợp tác của các sở, ngành và DN lớn nhằm phát triển các dạng thẻ thanh toán đồng thương hiệu và các sản phẩm phục vụ thanh toán dịch vụ công.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank thì nhấn mạnh rằng, một trong những yếu tố khiến cho các dịch vụ thanh toán điện tử của NH này có thể phát triển mạnh được là vì nền tảng công nghệ của đơn vị luôn được đảm bảo ở cấp độ tiên tiến nhất. Việc nâng cấp liên tục hệ thống công nghệ mới giúp Sacombank tạo ra sự hài lòng và niềm tin của khách hàng. Từ đó triển khai được những đề án thanh toán dịch vụ công khá mới mẻ như đề án Thẻ học đường SSC tại gần 50 trường học trên địa bàn TP.HCM và nhiều bệnh viện lớn.
Ở mảng dịch vụ chi trả bảo hiểm xã hội (lương hưu trí), ông Nguyễn An, Phó Tổng giám đốc DongABank cho rằng, khâu khó khăn nhất là việc thuyết phục các khách hàng lớn tuổi thực hiện nhận lương hưu qua thẻ. Tuy nhiên, do nỗ lực liên tục tổ chức các buổi hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị Bảo hiểm Xã hội, hiện nay số lượng khách hàng nhận lương hưu qua thẻ của DongABank tại khu vực TP.HCM đã đạt con số khoảng 40.000 khách hàng và có thể sẽ tăng nhanh trong vài năm tới.
Đại diện cho phía các DN lớn tham gia liên kết thanh toán bằng các hình thức điện tử, ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng ban Kinh doanh - Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN-HCMc) cho rằng hiện nay, đơn vị là DN tiên phong trong việc liên kết với các NHTM và các công ty fintech để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành điện. Hiện EVN-HCMc đã liên kết với 22 NHTM và 8 công ty fintech trung gian để thực hiện thanh toán điện tử.
“Đến cuối tháng 7/2017 đã có gần 1,7 triệu khách hàng của EVN-HCMc thực hiện thanh toán điện tử qua NHTM và các hình thức thanh toán trung gian. Doanh thu từ việc thanh toán điện tử của EVN-HCMc hiện đạt khoảng 60% doanh thu của đơn vị. Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền để phấn đầu đến 2020 tỷ lệ này sẽ đạt 100%” – ông Vĩnh cho biết.