Quy hoạch quốc gia: Hướng đến nhà nước kiến tạo và phục vụ
Xây dựng cụm cảng biển quốc tế và nội địa ở Cửa Lò (Nghệ An) | |
Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực Miêu Nha (quận Nam Từ Liêm) | |
Chuẩn hóa xây dựng nhà đô thị |
Hơn 19.000 quy hoạch theo pháp luật hiện hành sẽ được “quét” xuống còn 32 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh và các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng ở cấp huyện và xã. Đó là kỳ vọng của Chính phủ sau khi Luật Quy hoạch chính thức có hiệu lực, dự kiến vào ngày 1/1/2018.
Hàng nghìn quy hoạch sẽ trả lại thị trường
Sở dĩ số quy hoạch bị cắt giảm lên tới hàng nghìn là bởi phần lớn trong số này đã lỗi thời, không còn phù hợp với mô hình Nhà nước và quy luật phát triển hiện đại. Để giải quyết tình trạng này, Luật Quy hoạch sẽ thay đổi phương thức quản lý Nhà nước theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu để kiến tạo sự phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường.
Việc phân bổ nguồn lực cũng sẽ theo cơ chế thị trường để thúc đẩy huy động các nguồn lực xã hội nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Quy hoạch tốt sẽ thúc đẩy huy động các nguồn lực xã hội để giảm gánh nặng cho Nhà nước |
Quan điểm này được thể hiện rõ ở việc cắt giảm mạnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Theo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện có 73 luật, pháp lệnh và 59 nghị định quy định về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Đến năm 2015 có khoảng 3.400 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm, trong đó các bộ, ngành lập khoảng 500 quy hoạch, địa phương lập 29 quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông chỉ rõ, một số quy hoạch sản phẩm cần được điều tiết bằng cơ chế thị trường như thép, rượu, bia, thuốc lá, phân bón, cao su, cà phê, hồ tiêu, cá tra, tôm hùm…
Một số quy hoạch lại cần quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh như mạng lưới chợ, siêu thị, cửa hàng xăng dầu, thương nhân xuất khẩu gạo, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm… Ông cho rằng, nhiều quy hoạch đã lỗi thời và sắp tới sẽ phải được loại bỏ khỏi hệ thống quy hoạch chung.
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 7/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng lưu ý, cần lập quy hoạch theo hướng chỉ quy hoạch đối với ngành, sản phẩm gắn với việc sử dụng cơ sở hạ tầng và tài nguyên. Các quy hoạch ngành, sản phẩm khác sẽ được điều chỉnh bằng các giải pháp chính sách để định hướng phát triển, quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định pháp luật, điều tiết phù hợp với quy luật thị trường và xu thế hội nhập quốc tế.
Văn phòng Chính phủ cũng bổ sung, cần cân nhắc nội dung của các loại quy hoạch (vùng, ngành, tỉnh) theo hướng chỉ tập trung vào một số nội dung cơ bản thể hiện bản đồ quy hoạch về không gian, trong đó có dự báo về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.
Trong nội dung quy hoạch, không nên quy định các quan điểm, mục tiêu phát triển, phương án phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục dự án quan trọng quốc gia… Vì các quan điểm, phương án, dự án cụ thể sẽ thay đổi theo từng thời kỳ và nhu cầu thực tiễn. Nếu quy định quá cụ thể, quy hoạch sẽ nhanh chóng trở thành lỗi thời.
Với tinh thần đó, vừa qua Bộ KH&ĐT đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch theo hướng chỉ quy định cụ thể một số quy hoạch ngành tại phụ lục kèm theo dự thảo Luật. Đồng thời, tuỳ theo yêu cầu phát triển của đất nước, luật cũng quy định rõ Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định lập các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm cần thiết để chủ động trong chỉ đạo, điều hành.
Có cần quy hoạch quốc gia dẫn dắt?
Xung quanh Luật Quy hoạch hiện vẫn còn một vấn đề khó thống nhất giữa các thành viên Chính phủ, đó là trong hệ thống quy hoạch, ở cấp quốc gia có Tổng thể quy hoạch quốc gia hay Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, vừa qua Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch theo hướng lập Tổng thể quy hoạch quốc gia. Theo đó, sau khi các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh được lập, sẽ tiến hành rà soát để tích hợp thành tổng thể quy hoạch quốc gia và Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy hoạch này cho phù hợp. Theo phương án này, Tổng thể quy hoạch quốc gia là một bộ tài liệu tập hợp các quy hoạch đã làm và có sự rà soát để đề xuất sửa đổi các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Phương án trên có ưu điểm là dễ làm, không mất thời gian thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, nhược điểm là không có tính pháp lý, cách làm thụ động và không thể hiện được vai trò, chức năng quan trọng của quy hoạch trong định hướng, dẫn dắt phát triển ở tầm vĩ mô. Đồng thời, không tạo được sự liên kết, khớp nối giữa các quy hoạch và không khắc phục được tình trạng chia cắt, cục bộ như hiện nay. Hiện đây là phương án nhận được 11/22 ý kiến đồng thuận từ phía các thành viên Chính phủ.
Phương án lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thì số ý kiến đồng tình nhận được ít hơn, nhưng cũng đạt 10/22 ý kiến. Theo phương án này, quy hoạch cấp quốc gia sẽ làm trước để định hướng cho các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh, đô thị và nông thôn. Phương án này có ưu điểm là tính pháp lý cao, bắt buộc các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh phải tuân thủ. Đây cũng là bước cụ thể hoá Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên toàn bộ không gian lãnh thổ và là cầu nối giữa chiến lược với kế hoạch.
Phương án này khắc phục được tình trạng quản lý chia cắt, lợi ích cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch, tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, mục tiêu, công cụ chính sách, phân bổ nguồn lực… Tuy nhiên, cái khó của phương án này là phải có sự đồng thuận của các bộ, ngành và đặc biệt là phải quyết tâm đổi mới tư duy về quy hoạch.