Chuẩn hóa xây dựng nhà đô thị
Hà Nội hỗ trợ các nạn nhân vụ sập nhà số 43 phố Cửa Bắc |
Trước đó, ngôi nhà 5 tầng tại số 47 Huỳnh Thúc Kháng (Q. Đống Đa, Hà Nội) cũng bất ngờ đổ sập hoàn toàn, kéo theo một phần lan can của tòa nhà 5 tầng bên cạnh sập theo. Nguyên nhân gây nên vụ sập nhà được xác định là do cơi nới dẫn đến ngôi nhà bị lệch tâm nghiêng về một bên.
Thêm vào đó, do tường bị đục để thay bằng lớp kính đã giảm khả năng chịu lực, gây nghiêng và đổ sập. Hay trước đó nữa, căn nhà số 91B Hàng Mã (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bị sập đổ khi nhà bên cạnh thi công móng nền…
Nhà số 43 Cửa Bắc bị sập hoàn toàn |
Lý giải cho các vụ việc trên, theo các chuyên gia xây dựng, nhiều đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… đều nằm trên vùng có địa chất yếu, với tầng bùn rất sâu sau lớp đất sét chịu lực có bề dày từ 3,5-7m.
Trong khi đó, đa số các ngôi nhà cũ cỡ 2-3 tầng đều nằm trên các móng nông và truyền tải trực tiếp vào lớp đất này. Sau rất nhiều năm, hệ cân bằng giữa khả năng chịu tải của nền và công trình đã ổn định, chỉ cần có một tác động nào đó như xây công trình mới hay thậm chí tháo dỡ công trình đang tồn tại sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng nói trên.
Các hiện tượng phá vỡ trạng thái cân bằng có thể là: nền đất bị chồi lên khi tháo dỡ công trình, hoặc lún xuống khi công trình mới xuất hiện. Sự lún hoặc chồi của nền khiến công trình liền kề chịu ảnh hưởng. Những công trình liền kề bị ảnh hưởng sẽ xuất hiện các dấu hiệu như nứt, vỡ tường, dầm, sàn hay nghiêng đều xuất hiện trước khi sập đổ. Ngoài những nguyên nhân này thì còn có những lý do khác, từ phía chủ quan, tác động đến các ngôi nhà trong quá trình xây dựng tại đô thị.
Theo kỹ sư Nguyễn Lâm, trong xây dựng hiện nay đang có sự cạnh tranh giữa những người có chuyên môn trường lớp và nhóm thợ có kinh nghiệm lên làm thầu. Vì lý do này nên giá thành thi công sẽ có sự chênh lệch đáng kể.
Thông thường để thi công nhà trong khu vực đô thị cần phải nghiên cứu kỹ kết cấu những ngôi nhà xung quanh, khả năng chịu lực… từ đó mới đưa ra phương án xử lý nền. Với những căn nhà nền móng yếu, chịu lực kém thì cần phải gia công nền móng, hệ thống trụ đỡ, cột chống tạm rồi mới tiến hành thi công…
Song thực tế cho thấy hiện nay, nhiều nhà thầu, thợ thi công nhà tư nhân chủ yếu là những tốp thợ tự phát, xây dựng nhà chủ yếu bằng kinh nghiệm… Tìm nhà thầu xây dựng lại dễ đến mức, bạn chỉ cần vào trang Google và tìm địa chỉ xây, sửa nhà là đã có hơn 2 triệu kết quả. Còn tại các bờ tường, cột điện, bản tin… bất kỳ đâu cũng có thể dễ dàng tìm thấy một “đội thợ” sẵn sàng nhận xây dựng, sửa chữa nhà.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều căn nhà bị nứt, lún, thậm chí đổ như trường hợp nhà 43 Cửa Bắc và 47 Huỳnh Thúc Kháng vừa qua. Cũng theo kỹ sư Lâm, hiện nay tại Hà Nội, nhiều căn nhà được xây dựng hoàn toàn “dựa” vào những căn nhà đã xây trước đó. Những căn nhà này làm móng rất nông và cẩu thả, nếu không phát hiện và xử lý ngay thì chuyện sập và nứt là “đương nhiên”.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng chia sẻ: “Nếu tuyển những đội thợ ấy chủ đầu tư chỉ còn biết cầu may thôi, vì họ làm hoàn toàn bằng kinh nghiệm. Trong khi đó, quá trình xây dựng phải tuân theo những quy trình, quy định và cần phải có những sự hiểu biết nhất định về xây dựng. Nhiều người rất thiếu hiểu biết, họ cứ tưởng hễ sửa nhà là muốn đục chỗ nào, phá chỗ nào cũng được. Trong xây dựng có quy chuẩn riêng. Vấn đề ở đây là phải tự chịu trách nhiệm và phải có quy trình quản lý rõ ràng”.
Vì vậy để không xảy ra các sự cố đau lòng, các cơ quan chuyên về xây dựng cho rằng cần theo dõi thường xuyên các loại công trình xây dựng liền kề trong đô thị để có cảnh báo kịp thời. Mặt khác, người dân cũng cần theo dõi và khi đã nhận thấy những “triệu chứng” không bình thường thì cần thông báo cho chính quyền hoặc các đơn vị có liên quan để kịp thời can thiệp.
Với các nhà chuẩn bị xây dựng, việc lựa chọn giải pháp móng chưa đủ mà cần có giải pháp thi công không ảnh hưởng tới công trình lân cận như cách hạ cọc (ép tĩnh cọc, ép cọc có khoan dẫn). Việc đào hố móng cũng cần giải pháp để không bị sạt lở, hay dịch chuyển của đất nền nhà liền kề.
Và đặc biệt, chủ nhà khi bỏ tiền đầu tư xây dựng lại ngôi nhà của mình thì nên tham khảo và tìm người có trình độ về xây dựng để tư vấn và quản lý dự án, có đội thợ kinh nghiệm nhưng cũng cần biết về kỹ thuật xây dựng và những lưu ý khi xây nhà đô thị như trên.
Ông Phạm Minh Hà, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho biết, cơ quan này sẽ kiến nghị với Bộ Xây dựng đề xuất biện pháp siết chặt công tác cấp phép xây dựng tại các địa phương, yêu cầu phải đánh giá công tác cấp phép cũng như đánh giá chất lượng công trình bên cạnh, để có biện pháp đảm bảo an toàn công trình thi công cũng như công trình lân cận. Đây cũng là hành động thực tế thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội và các địa phương phải tăng cường rà soát các biệt thự cũ, chung cư cũ, công sở… |