Sách và hơn thế nữa
Thư viện vẫn là điểm đến hấp dẫn | |
Muôn màu văn hóa đọc giới trẻ | |
Một cách nhìn mới về việc đọc sách |
Là người viết văn, làm báo và ham đọc sách nên trong nhà phải có những tủ sách. Hiển nhiên rồi. Thế nhưng có một điều làm tôi bất ngờ, là có cậu hàng xóm mới đến “nhập cư”, sang chơi. Cậu ta hỏi tôi về chuyện đọc, chuyện viết và tỏ ra bất ngờ trước những cuốn sách dày khộp mà tôi đã đọc. Cậu ta còn thốt lên: “Anh đọc hết những cuốn này à?”. Tôi gật đầu rồi hỏi lại: “Thế một năm em đọc mấy cuốn sách!”. Cậu ta gãi đầu, nói rằng 10 năm qua em chưa đọc một cuốn sách nào.
Cần có nhiều cách để sách đến tay bạn đọc |
Chuyện sẽ đơn giản thôi nếu như cậu ấy chỉ là một công nhân bình thường, một người lao động chân tay, hay là bác nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Đằng này cậu ta là một người tốt nghiệp đại học, đang làm ở một cơ quan cũng dính dáng đến văn hóa. Vậy thì cậu ta giải trí bằng gì? Bằng mạng xã hội, tin tức trên báo điện tử, phim… Chấm hết. Khảo sát những anh bạn trẻ quanh mình cũng thấy rằng, việc đọc sách gần như trở nên xa lạ với họ, nhưng họ lại thường trà đá, chém gió, uống bia… những lúc có thời gian tụ tập. Điều đó khiến chúng ta suy nghĩ.
Vào công tác tại Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa… hỏi những bạn trẻ về văn hóa đọc. Câu trả lời mà tôi nhận được cũng khá buồn, rằng việc đọc ngày càng trở nên thưa thớt, xa lạ. Có hay chăng chỉ tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên, theo kiểu buộc phải đọc, một số khác đọc giải trí; đối tượng giáo viên, nghiên cứu… Còn những người trong độ tuổi lao động thì câu cửa miệng là “lấy đâu thời gian mà đọc sách!”.
Có bạn trẻ ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) trả lời rất nhanh rằng, không biết chỗ bán sách ở đâu. Trong khi đó thành phố này có hai địa điểm là Nhà sách Quy Nhơn, Nhà sách Fahasa khá lớn, chưa kể đến một số nhà sách khác cũng cung cấp hàng nghìn đầu sách. Như vậy để thấy, thói quen đọc sách đang mờ nhạt trong đời sống cộng đồng. Người đọc không có nhu cầu tự đi tìm sách; hơn nữa, các chương trình khuyến đọc, quảng bá văn hóa đọc ở nhiều địa phương chưa được quan tâm, chưa làm cho các bạn trẻ thấy hết tầm quan trọng của văn hóa đọc.
Trong vài năm trở lại đây, ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, liên tục diễn ra các hội chợ sách, đại hội sách cũ, các sự kiện giới thiệu, tổ chức xây dựng đường sách. Mới đây TP. Hồ Chí Minh quy hoạch, xây dựng thêm công trình đường sách thứ hai, nằm trên đường Nguyễn Đổng Chi (phường Tân Phú, quận 7) do UBND quận 7 phối hợp cùng Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện. Đường sách Nguyễn Văn Bình trong hai năm qua hoạt động khá tốt, trở thành một trong những trung tâm giới thiệu sách lớn, thu hút sự quan tâm của người đọc.
Nỗ lực là thế, vậy mà ngay cả ở hai thành phố đông dân nhất cả nước này, tình hình xuống cấp của văn hóa đọc cũng vẫn trở nên đáng lo ngại. Người ta vẫn thích ngồi lê chém gió, tụ tập uống bia, say xỉn nhiều hơn là dành mỗi ngày từ một đến hai tiếng để đọc sách. Huống hồ là những địa phương ít hoạt động, không tìm cách đưa sách đến gần dân hơn, xoáy vào tâm lý bạn trẻ, kích thích đọc sách dưới nhiều hình thức: sách nói, sách điện tử. Thị trường sách, bạn đọc cũng phần nào nói lên sự quan tâm hay không của cơ quan văn hóa các địa phương.
Cho dù một số chuyên gia, cơ quan chức năng cho rằng “nói văn hóa đọc xuống cấp là không đúng”. Luồng ý kiến phân tích theo hướng này cho rằng, sách vẫn được in và bán trên thị trường. Bạn trẻ vẫn đón nhận. Thậm chí nhiều cuốn còn được đón nhận nhiệt tình. Đó là những ý kiến lạc quan, chỉ nhìn vào những khía cạnh bề nổi mà thiếu sâu sát thực tế.
Trên bình diện chung, ngày xưa người dân (dù dân số ít hơn) nhưng đến thư viện đọc rất nhiều. Nay dân số tăng, sách trong thư viện nhiều hơn, nhưng nhiều cuốn cả chục năm cũng chỉ nằm ở một vị trí, không được giở ra. Ở khía cạnh khác, sách được đọc, đón nhận đâu phải cuốn nào cũng có giá trị. Mà đọc sách cũng không chỉ là đọc vài ba cuốn sách giải trí, vui vẻ, mà cần đọc cả những công trình nghiên cứu, lịch sử, khoa học có giá trị, góp phần bồi đắp vốn văn hóa, hiểu biết, làm giàu có thêm tình yêu đất nước, con người.
Chừng nào còn những người học đại học mà lười đọc sách, người nằm trên đống sách mà không biết giá trị, hay đổ lỗi là do khó tiếp cận với sách, thì chừng đó sách còn chưa được quan tâm đúng mức, và văn hóa đọc vẫn là một thứ xa lạ. Chúng ta phải thay đổi cách làm, giới thiệu sách đến với bạn đọc theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, tận dụng từng thời điểm để công chúng có cơ hội tiếp xúc với sách. Đó là một trong những phương cách cần được quan tâm.