Một cách nhìn mới về việc đọc sách
Buổi tọa đàm cùng tác giả Pierre Bayard đem đến một góc nhìn mới, bổ ích về văn hóa đọc |
Ở nước ta, bấy lâu nay do bùng nổ thông tin giải trí và các phương tiện nghe nhìn, giới trẻ đang mất dần thói quen đọc sách. Tỷ lệ đọc sách của người dân vẫn còn thấp so với các nước phát triển. Vì vậy mà kiến thức chung của một bộ phận người trẻ rất hạn chế.
Theo TS. Vũ Thế Long, đọc là một nhu cầu không thể thiếu của con người và càng là người có văn hóa thì càng có nhu cầu đọc cao hơn. Rất đáng tiếc qua điều tra thống kê có rất nhiều người có khi một năm không đọc hết một cuốn sách, trong khi có nhiều sách mới ra thường xuyên hay những cuốn sách cổ, sách quý chứa đựng nhiều thông tin bổ ích.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân từng chia sẻ, ngày nay số kênh tiếp nhận thông tin nghe nhìn quá nhiều, vì vậy số kênh đó đã chia sẻ bớt các kênh đọc trên giấy là điều không khó hiểu. Văn hóa đọc cũng đang mất dần. Một số kênh truyền hình có nội dung mang tính trò chơi nó có thể hấp dẫn những người có ít bản lĩnh chủ động hơn, chính vì thế cũng có thể đây là những tác động không tốt đối với các bạn đọc.
Trong dịp gần đây, buổi tọa đàm về cuốn sách “Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc?” của nhà phê bình văn học, chuyên gia tâm lý Pierre Bayard xuất bản lần đầu tiên ở Pháp vào năm 2007, đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành rộng rãi tại Việt Nam. Ngay từ nhan đề của tác phẩm đã xuất hiện sự mâu thuẫn, hay nói cách khác đó là quan điểm có phần phi lý. Thời điểm mới ra đời, cuốn sách này đã tạo nên một làn sóng tranh luận trong giới phê bình và độc giả tại Pháp.
Nhưng bằng những lập luận sắc bén của mình, Pierre Bayard đã thuyết phục được độc giả và những người đồng nghiệp khó tính. Kế thừa và phát triển những quan điểm về mỹ học tiếp nhận từ giữa thế kỷ XX, Pierre Bayard đưa ra lý thuyết về “cuốn sách tâm hồn”.
Theo ông, đọc sách không phải là một quá trình sao chép y nguyên những gì mà tác giả đã viết. Mỗi người đọc sẽ cảm nhận cuốn sách đó theo một cách khác nhau. Điều đó dựa trên đặc điểm tâm, sinh lý khác nhau của mỗi cá nhân. Vì vậy mà hình thành những “cuốn sách tâm hồn” khác nhau. Đôi khi những “cuốn sách tâm hồn” này còn được hình thành trước khi ta đọc văn bản.
Vì vậy đọc sách không phải là một quá trình sao chép văn bản vào bộ nhớ. Đọc sách thực chất là một quá trình sáng tạo. Hãy đọc sách và suy tư về nó để tạo ra “cuốn sách tâm hồn” của riêng mình, thay vì khư khư giữ bên cạnh một cuốn sách theo nghĩa vật lý. Điều quan trọng là chúng ta đọc sách như thế nào chứ không phải chúng ta đọc bao nhiêu sách!
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Đinh Trần Tuấn Linh cho rằng: “Cuốn sách của Pierre Bayard đã đưa ra một bộ quy tắc ứng xử cho việc đọc sách. Và làm thế nào để nói về cuốn sách mà mình chưa đọc là việc mà nhiều người đôi khi vẫn gặp phải”. Là những người có niềm đam mê đọc sách, hai diễn giả Nguyễn Minh và Nguyễn Thị Ngọc Minh đều có những hoài nghi khi nhìn thấy cuốn sách này.
Nguyễn Minh còn đưa ra câu hỏi: “Liệu nói về cuốn sách mà mình chưa đọc có phải là sự giả dối?”. Nhưng khi đọc tác phẩm này cả hai diễn giả đều đã bị thuyết phục và thú nhận rằng mình đã rơi vào “cái bẫy” rất tinh vi của Pierre Bayard.
Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh: “Trong một số trường hợp, chúng ta phải nói về những cuốn sách mà mình chưa đọc. Nhưng để nói được về chúng một cách hay và chuẩn xác thì trước đó chúng ta phải đọc rất nhiều cuốn sách cùng thể loại. Bề ngoài, tác giả khuyên người đọc không cần tốn thời gian đọc sách nhưng thực chất cách mà ông đưa ra lại làm cho chúng ta phải đọc nhiều hơn và sâu hơn. Đây là lý thuyết về “đọc tổng quát” cũng chính là “cái bẫy” của nhà văn, nhà tâm lý người Pháp”.
Còn với Thạc sĩ Nguyễn Minh, anh chia sẻ: “Trước đây có một định kiến rằng đọc sách là văn minh. Nhiều người cảm thấy tự ti, thậm chí là xấu hổ khi chưa đọc một số đầu sách nổi tiếng. Sự xấu hổ ấy đã tạo nên một vỏ bọc giữa con người và văn hóa. Vô hình trung, sách đã làm con người ta tự cô lập mình thay vì kết nối với nhau”.
Với tư cách là người đọc đồng thời là nhà nghiên cứu, hai diễn giả Nguyễn Minh và Nguyễn Thị Ngọc Minh đều cho rằng: Dù một độc giả bình thường hay một nhà phê bình, nghiên cứu văn học, chúng ta đều tìm được những điều thú vị bên trong cuốn sách của Pierre Bayard. Nó không chỉ là một cuốn sách giải trí thông thường. Tác phẩm là một công trình nghiên cứu về tiếp nhận văn học.