Để bảo tồn và phát huy giá trị của chợ truyền thống
Hỗ trợ chợ truyền thống phát triển Hà Nội nâng cấp xây mới hệ thống chợ truyền thống |
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, chợ truyền thống đang dần mai một và xuống cấp. Để bảo tồn giá trị văn hóa này, cần có những giải pháp bền vững, phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Thực tế của không ít các chợ dân sinh, truyền thống hiện nay ở Hà Nội là rất vắng khách. Lý do một phần là do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã mang lại trải nghiệm mua sắm hàng hóa tiện lợi và nhanh chóng tới nhiều người hơn. Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ, mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng chợ truyền thống vẫn đảm bảo đáp ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Đặc biệt, chợ truyền thống còn là nét đặc trưng văn hóa của người dân Việt Nam. Đây cũng là lợi thế để Việt Nam thu hút khách du lịch trong tương lai. Để chợ truyền thống thu hút người tiêu dùng thì việc đầu tiên là phải có quy hoạch rõ ràng, minh bạch; đặt ra tiêu chuẩn, tiêu chí về xây dựng chợ văn minh, các tiểu thương được đào tạo bài bản; tổ chức nguồn hàng và niêm yết giá…
Vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng đến chợ truyền thống. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm, yêu cầu các tiểu thương tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn. Khi khách hàng cảm thấy an tâm về chất lượng thực phẩm, họ sẽ có niềm tin hơn khi mua sắm tại chợ truyền thống. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp giữ chân người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều lựa chọn hiện đại khác.
Vấn đề nổi cộm khiến chợ truyền thống mất dần sức hấp dẫn là sự xuống cấp về cơ sở hạ tầng. Để cải thiện thực trạng này, chính quyền địa phương cần tăng cường đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn và vệ sinh cho người dân khi tới chợ.
Theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, Sở đã phối hợp với các sở, ngành giải quyết khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ. Nhờ đó đến nay Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động 4 chợ gồm: Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), chợ Trung tâm thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), chợ Châu Long (quận Ba Đình).
Bên cạnh đó, yếu tố quyết định đến sức sống của chợ truyền thống là năng lực của các tiểu thương. Nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống chưa được trang bị các kỹ năng quản lý tài chính, tiếp thị hay khả năng điều hành kinh doanh một cách hiệu quả. Vì thế, việc tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn cho các tiểu thương là rất cần thiết.
Chính quyền và các tổ chức có thể phối hợp để tổ chức các lớp đào tạo, cung cấp kiến thức về kỹ năng bán hàng, quản lý nguồn vốn, lập kế hoạch kinh doanh, và các kỹ năng khác giúp các tiểu thương cải thiện hoạt động kinh doanh. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn góp phần tạo dựng niềm tin cho khách hàng khi mua sắm tại chợ.
Để thích nghi với xu hướng phát triển của xã hội, chợ truyền thống cũng cần có sự thay đổi trong phương thức hoạt động. Một trong những giải pháp hiệu quả là ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc buôn bán. Thanh toán không tiền mặt đang dần trở thành xu hướng ở Việt Nam, và chợ truyền thống cũng có thể áp dụng hình thức này để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ, đại diện Sở Công thương chia sẻ thêm.
Các tiểu thương có thể tham gia vào các nền tảng trực tuyến, đăng ký gian hàng trên các trang thương mại điện tử, hoặc thậm chí là tạo các trang bán hàng trên mạng xã hội để tiếp cận với lượng khách hàng rộng lớn hơn. Điều này giúp các chợ truyền thống có thể mở rộng phạm vi phục vụ đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Giá trị lịch sử đặc biệt của chợ truyền thống là nét văn hóa đậm chất địa phương, phong phú và độc đáo. Để phát huy điều này, cần có những hoạt động quảng bá, tổ chức các sự kiện giới thiệu văn hóa chợ truyền thống, gắn với ẩm thực và các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Các tour du lịch đến chợ truyền thống, các chương trình giới thiệu sản phẩm, ẩm thực độc đáo của từng vùng miền sẽ thu hút được sự chú ý của du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh chợ truyền thống. Việc tạo dựng hình ảnh tích cực, đậm bản sắc văn hóa địa phương không chỉ thu hút du khách, mà còn thúc đẩy ý thức của người dân về việc bảo vệ và duy trì nét đẹp của chợ truyền thống.