Sản phẩm đạt chuẩn mới tiêu thụ mạnh
Theo thống kê, hiện sản xuất nông nghiệp TP. HCM đang chuyển dần từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 5,6%.
UBND TP. HCM đã phê duyệt Đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn vùng nông thôn đô thị đến năm 2020. Trong đó, thành phố sẽ phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được lựa chọn bao gồm: rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh.
Đây là nhóm sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố và có xu hướng phát triển ổn định, có tiềm năng mở rộng thị trường vừa sản phẩm tiêu dùng, vừa sản xuất giống chất lượng cao cung ứng cho thành phố và các tỉnh.
Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn TP. HCM, nhiều DN, nông dân, hợp tác xã đang trực tiếp nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm chủ lực nêu trên vẫn gặp những khó khăn nhất định, trong đó có đầu ra cho sản phẩm. Thực vậy, cho đến nay, lượng tiêu thụ rau, củ, quả trên địa bàn TP. HCM qua thương lái chiếm tỷ lệ trên 42% sản lượng. Giá bán sản phẩm theo giá thị trường trong ngày và do thương lái chi phối.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. HCM (ITPC) cho rằng, mặc dù TP. HCM là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn nhất cả nước và là đầu mối xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nhiều tỉnh, thành, tuy nhiên thời gian qua, các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác thường phải “tự thân vận động” tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính điều này, cộng với sức ép cạnh tranh của hội nhập ngày càng cao khiến nhiều nông sản Việt “lép vế”, không được tiêu thụ mạnh so với nông sản ngoại nhập.
Về phía người sản xuất, ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân TP. HCM cũng cho biết, các hộ nông dân và tổ hợp tác chỉ liên kết với nhau về kỹ thuật mà chưa liên kết về tiêu thụ và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc hỗ trợ kết nối để hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì cũng như chất lượng theo yêu cầu của nhà phân phối. Đồng thời, với quy mô nhỏ lẻ thì các DN rất khó để đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối.
Để hỗ trợ DN, HTX và nông dân, các chuyên gia cho rằng việc đề ra các giải pháp hữu hiệu giúp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rất cần thiết và cấp bách; giúp họ có thể tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng thông qua hệ thống các kênh tiêu thụ hiện đại, các nhà phân phối lớn có uy tín. Qua đó, giảm bớt các khâu trung gian tiêu thụ, giúp người sản xuất yên tâm về giá cả, giúp nhà phân phối kiểm soát được chất lượng và giá mua đầu vào, từ đó giúp bình ổn giá cả thị trường.
Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng bộ phận thu mua nông sản của Saigon Co.op đề xuất, các hợp tác xã, DN nuôi trồng, ngoài việc chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng, nên phân chia khu vực nuôi trồng ra thành các vườn nhỏ theo yêu cầu của các siêu thị. Các hợp tác xã, DN, cũng cần có cam kết về lượng và bảo đảm chất lượng hàng hoá đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không thu gom các nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
“Việc kết nối chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quan hệ cung-cầu và định hướng hàng hóa là hết sức quan trọng, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Muốn xây dựng được chuỗi liên kết hiệu quả, người sản xuất phải tìm hiểu nhu cầu, xu hướng của thị trường trước khi sản xuất; đồng thời phải đảm bảo chất lượng hàng hóa như cam kết với khách hàng bằng việc áp dụng các mô hình, công nghệ mới và thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất”, ông Tuấn khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, sẽ khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường các lớp tập huấn cho nông dân; tổ chức liên kết các nông hộ và tổ hợp tác trên lĩnh vực đầu ra sản phẩm.