Sát cánh cùng doanh nghiệp hội nhập
Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán các nước thuộc khối TPP tại Việt Nam như: Mỹ, Canada, Mexico, New Zealand, Malaysia, Peru; lãnh đạo, đại diện các Bộ, Ban ngành Trung ương, các Hiệp hội ngành nghề, các DN và đặc biệt là các diễn giả uy tín trong và ngoài nước.
Quang cảnh buổi hội thảo |
Các diễn giả trong và ngoài nước đã đưa ra góc nhìn đa dạng về TPP, đánh giá tổng quan về tác động của TPP đối với Việt Nam và đi sâu phân tích các cơ hội, thách thức đối với các DN Việt Nam khi TPP có hiệu lực. Đặc biệt các diễn giả đã có những gợi ý về vấn đề vị thế cạnh tranh của các DN Việt Nam và các định chế tài chính đồng hành cùng DN như thế nào trong tiến trình hội nhập?
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại với phần chia sẻ: Tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa chỉ là điều kiện cần. Cải cách thể chế, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của DN và cả nền kinh tế mới là điều kiện đủ. Việc lựa chọn đúng chiến lược phát triển để chiến thắng trong cạnh tranh là vô cùng quan trọng.
Các tiêu chí để lựa chọn như: lợi thế so sánh tĩnh và động (quan trọng nhất vẫn là lợi thế so sánh động); quy mô nền kinh tế; dung lượng thị trường; xu thế giảm giá trên thị trường (do cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết, do sự phát triển khoa học công nghệ làm tăng năng suất lao động của các DN cạnh tranh…).
Ông Tuyển cũng nêu ra một số gợi ý về lựa chọn công nghệ và chiến lược phát triển. Với chiến lược phát triển, trong một thời gian đủ dài với trình độ của DN nước ta cần đi theo hai hướng. Chiến lược “thế chỗ” theo mô hình đàn sếu bay. Tiến nhanh bắt kịp, và từ đó vượt lên.
Muốn vậy, phải mạnh dạn đầu tư vào khoa học, công nghệ, thực hiện đổi mới và sáng tạo. Liên quan đến chiến lược này phải quan tâm đến tái cấu trúc DN, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Khẳng định vai trò của các định chế tài chính đồng hành cùng DN Việt Nam khi TPP có hiệu lực, TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó tổng giám đốc cho rằng: Nhiều NHTM của các nước khối TPP đã có hiện diện thương mại ở hầu hết các nước trong khối. Họ đã, đang với nỗ lực mở rộng cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ, phục vụ cộng đồng DN và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch giữa các nước thành viên.
Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên khi TPP chính thức có hiệu lực. Các định chế tài chính lớn như BIDV sẵn sàng đồng hành cùng DN bằng việc cung ứng các sản phẩm - dịch vụ mang tính hội nhập cao như tín dụng, tài trợ xuất nhập, thuê mua tài chính, thanh toán quốc tế, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ, bảo hiểm, chứng khoán và phái sinh chứng khoán và hàng hóa...
Để cạnh tranh được với các đối thủ ngoại các định chế tài chính trong nước phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa chất lượng dịch vụ tương đương khu vực. Tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm - dịch vụ hiện đại phục vụ cho các hoạt động xuất - nhập khẩu, đầu tư, ngân hàng bán lẻ.
Cùng với đó các đơn vị tiếp tục mở rộng màng lưới và tăng cường kết nối với hệ thống định chế tài chính trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt cần nghiên cứu sâu các FTAs nhằm tư vấn cho doanh nghiệp về mô hình hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư - thương mại, quản lý rủi ro...
Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV khẳng định: TPP là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập toàn diện của các nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương gồm 800 triệu dân, đóng góp 25% GDP và gần 40% giá trị thương mại thế giới, được đánh giá là một Hiệp định thế hệ mới mang tính “lịch sử”, “bản lề” không chỉ đối với 12 quốc gia nội khối mà còn là hình mẫu để các quốc gia khác noi theo.
Theo đó, TPP sẽ mang đến những cơ hội vô cùng quý báu cũng như những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam nói chung và với cộng đồng DN nói riêng.