Sau 3 lần tăng liên tiếp, giá xăng quay đầu giảm nhẹ
Thông cáo báo chí phát đi từ cơ quan điều hành giá xăng dầu cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 22/10/2018 là: 87,120 USD/thùng xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5 RON92); 89,326 USD/thùng xăng RON95; 96,269 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 95,670 USD/thùng dầu hỏa; 502,560 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Ảnh minh họa |
Tại kỳ điều chỉnh này, Liên bộ quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức 0 đồng/lít xăng E5 RON92; ở mức 300 đồng/lít xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa; ở mức 300 đồng/kg dầu mazut.
Đồng thời, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cụ thể: Xăng E5 RON92 ở mức 1.213 đồng/lít; Xăng RON95 ở mức 600 đồng/lít; Dầu diesel ở mức 634 đồng/lít; Dầu hỏa ở mức 722 đồng/lít; Dầu mazut ở mức 653 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng được điều chỉnh giảm nhẹ, còn giá dầu được giữ nguyên.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 224 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 144 đồng/lít. Dầu diesel, dầu hoả và dầu mazut giữ ổn định giá;
Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 20.682 đồng/lít; Xăng RON95 không cao hơn 22.203 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 18.611 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 17.086 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 15.694 đồng/kg.
Việc trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn và điều chỉnh giá xăng dầu được áp dụng từ 15h00 chiều nay (22/10).
Trước đó, tại cuộc họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 19 lần điều hành giá xăng dầu. Trong đó chỉ có 2 lần xăng dầu giảm giá, 6 lần tăng giá (mức tăng tổng cộng 2,5 nghìn đồng/lít), còn 10 lần giá xăng dầu giữ ở mức ổn định.
Tuy nhiên, để giữ được ổn định giá xăng dầu của 10 lần điều chỉnh này thì liên Bộ Công Thương-Tài chính cũng đã quyết định trích quỹ bình ổn để bù vào. Chính vì vậy, tổng cộng quỹ bình ổn đã phải chi từ đầu năm 2018 đến ngày 25/9/2018 là 5.500 tỷ đồng và đến ngày 31/8/2018 quỹ bình ổn còn 3.100 tỷ đồng.
“Trong lần gần đây nhất, giá xăng chỉ tăng có 700 đồng. Đáng lẽ trên thực tế mức tăng phải là hơn 1.500 đồng nhưng đã trích từ quỹ để bù hơn 800 đồng. Như vậy, có thể thấy lợi ích quan trọng của quỹ bình ổn, nếu không có quỹ này, xăng lên giá cao sẽ tác động làm nhiều mặt hàng khác tăng giá, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong lần điều hành giá tới, liên Bộ Công Thương-Tài chính sẽ dựa trên diễn biến thực tế giá xăng dầu thế giới và số tiền còn lại trong quỹ bình ổn để quyết định xem nên trích hay không trích quỹ.