Sau Brexit, nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Anh u ám
Phải chăng là chỉ báo tái diễn khủng hoảng? | |
Brexit làm “lung lay” vị thế trung tâm tài chính London |
Giá trị các tài sản ở Anh sụt giảm
Số lượng các giao dịch mua lại các công ty của Anh đã giảm mạnh sau khi người dân Anh quyết định rời khỏi EU. Cho dù vào ngày 13/7 vừa qua, có hai giao dịch lớn nước ngoài lớn nhắm vào các công ty ở Anh đã được công bố và các DN nước ngoài thâu tóm đã hưởng lợi lớn do đồng Bảng giảm giá mạnh nhưng theo số liệu của hãng nghiên cứu Dealogic thì tổng số lượng giao dịch được công bố sau khi cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã giảm tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị giao dịch được công bố sau Brexit chỉ đạt 4,5 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với mức 9,1 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái.
Ít nhất trong ngắn hạn, Brexit đang khiến kinh tế Anh yếu |
Thực tế thì số liệu này cũng phản ánh xu hướng của 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, mặc dù số lượng giao dịch mua các công ty của Anh gần như vẫn tương đương với nửa đầu năm 2015 nhưng tổng giá trị các giao dịch đã giảm tới 58% và rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Một số chuyên gia cho rằng, việc đồng Bảng giảm giá mạnh vừa qua có thể châm ngòi cho sự quan tâm của các NĐT nước ngoài khi muốn sở hữu các tài sản hay mua lại các công ty ở Anh.
"Hiện tại, các tài sản ở Anh đang rẻ hơn so với trước đây và thậm chí có thể nói đang bị định giá thấp nếu xét tới triển vọng dài hạn của nền kinh tế này” - ông Nigel Driffield, giáo sư kinh doanh quốc tế tại Warwick Business School nêu quan điểm. Vị này cho biết, các NĐT đang tìm kiếm các khoản đầu tư dài hạn vào các tài sản tương đối an toàn như BĐS thương mại.
Một trong hai giao dịch lớn đề cập ở trên là việc AMC Entertainment (AMC) - chuỗi rạp chiếu phim của Mỹ nhưng nay thuộc sở hữu của một Tập đoàn Trung Quốc - đã mua Odeon & UCI Cinemas có trụ sở tại London với trị giá khoảng 921 triệu Bảng.
Nếu quy ra USD thì thương vụ này trị giá khoảng 1,2 tỷ USD, thấp hơn tới 138 triệu USD so với mức giá trị 1,38 tỷ USD của 3 tuần trước. Sau hoạt động mua lại này, AMC trở thành nhà điều hành chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới.
Thương vụ thứ hai là Tập đoàn Steinhoff International của Nam Phi đã đạt được thỏa thuận mua lại chuỗi cửa hàng giảm giá Poundland của Anh với giá gần 600 triệu Bảng (795 triệu USD). Thực tế Steinhoff International mới chỉ tiếp cận Poundland lần đầu tiên vào tháng 6 vừa qua, tức ngay trước cuộc trưng cầu dân ý của Anh và tính đến nay thì nếu quy ra đồng USD, giá trị chuyển nhượng trên cũng đã giảm gần 100 triệu USD.
Không còn mặn mà với “'visa vàng” châu Âu
Dù việc đồng bảng Anh mất giá khiến cho các tài sản của Anh cũng có vẻ rẻ đi nhưng theo Nigel Driffield, các NĐT tiềm năng cũng sẽ cần phải lưu ý đến khả năng doanh thu kỳ vọng thực tế có thể giảm. “Trong những thời điểm không chắc chắn như hiện nay thì việc dự kiến doanh thu sụt giảm là không thể loại trừ” – chuyên gia này nhận định.
Các chuyên gia tư vấn về M&A thuộc KPMG cho biết, có khoảng một nửa số giao dịch mà họ đang triển khai tại Anh đã được hoãn lại sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Lý do bởi không ai biết thời điểm và cách thức Anh sẽ thực sự rời khỏi EU thế nào. Cách thức tiếp cận của Anh đối với thị trường đơn nhất EU sẽ ra sao cũng cần được đàm phán lại.
Thậm chí còn đang xuất hiện các câu hỏi xung quanh kế hoạch sáp nhập sàn chứng khoán London với sàn Deutsche Börse của Đức liệu còn khả thi không. Các cổ đông của Deutsche Börse sẽ bỏ phiếu về kế hoạch này vào cuối tháng này.
Trong khi đó, dù đã có hàng trăm nghìn NĐT giàu có đã đổ tiền đồ vào châu Âu trong những năm gần đây để có được "visa vàng" mà theo đó họ sẽ được quyền sống và kinh doanh với tư cách “công dân EU” nhưng Brexit có thể là vết cắt ngăn cản dòng tiền mặt tiếp tục chảy vào kênh này.
Trong những năm qua, chính phủ nhiều quốc gia châu Âu đã đưa ra các chương trình cung cấp visa cho các NĐT nước ngoài nhằm tìm kiếm các nguồn thu mới trong bối cảnh EU chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và trong số đó, Anh Quốc chính là quốc gia điểm đến hàng đầu ở châu Âu cho những người nhập cư giàu có.
Theo số liệu của Công ty tư vấn Arton Capital, kể từ năm 2003 đến nay, Anh đã thu hút hơn 114.000 cá nhân giàu có. Các NĐT từ Trung Quốc, Nga và Trung Đông thường xuyên đứng ở tốp đầu xếp hàng xin thị thực vàng ở EU qua nước Anh. Nhưng Brexit một lần nữa lại là cảnh báo khả năng các NĐT giàu có sẽ giảm mối quan tâm và số lượng đơn trình xin “visa vàng” sẽ ít đi.
“Sự hấp dẫn của Anh sẽ chịu tác động bởi chính trị bất ổn, kinh tế suy giảm và đồng Bảng rớt giá. Những điều này khiến tâm lý phải hoãn lại nhu cầu xin “visa vàng” của các NĐT tiềm năng” - Armand Arton, Chủ tịch của Arton Capital cho biết.
Theo số liệu của Hội đồng nhập cư các NĐT toàn cầu, nước Anh đã trở nên kém hấp dẫn hơn trong thu hút visa vàng. Năm 2015, họ chỉ thu hút được 182 NĐT nhập cư, giảm mạnh so với con số 1.172 NĐT của năm 2014. Nguyên nhân một mặt vì người ta không chắc chắn về tương lai của nước Anh. Mặt khác, vì chương trình "visa vàng" của Anh cũng quá đắt đỏ, với một khoản đầu tư tối thiểu là 2 triệu Bảng (2,6 triệu USD).
Thêm vào đó, NĐT phải mất khoảng 7-8 năm để có được quyền công dân EU. Giờ thì lại thêm cả vấn đề Brexit. Chính bởi vậy, một số NĐT đã lựa chọn sử dụng các chương trình thị thực được cung cấp bởi các nước như Cyprus hay Malta để thay thế Anh khi về thời gian, họ chỉ mất 90 ngày để có được quyền công dân trong khi về tiền bạc, họ chỉ mất 750 nghìn USD để trở thành một công dân EU thực thụ.