Kinh tế Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại trong quý III
Trung Quốc đối mặt với áp lực giảm phát gia tăng Trung Quốc "rót" thêm 850 tỷ USD kích thích kinh tế: Liệu có đủ sức vực dậy tăng trưởng? |
Kinh tế Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại trong quý III |
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, số liệu được công bố vào thứ Sáu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trong quý III, chậm lại so với mức 4,7% được ghi nhận trong quý II và đạt tốc độ yếu nhất kể từ quý I/2023.
Bắc Kinh sẽ báo cáo các số liệu mới nhất vào thời điểm mà chính quyền đã bắt đầu tăng mạnh các biện pháp kích thích kinh tế nhằm đảm bảo nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của chính phủ trong năm 2024.
Cuộc thăm dò của Reuters cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2024, thấp hơn mục tiêu của Bắc Kinh, và tăng trưởng có thể tiếp tục giảm xuống 4,5% vào năm 2025.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng không đồng đều trong năm nay, với sản xuất công nghiệp vượt xa nhu cầu tiêu dùng nội địa, làm tăng nguy cơ giảm phát trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái và nợ chính quyền địa phương gia tăng.
Các nhà hoạch định chính sách - những người theo truyền thống dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng, đã cam kết chuyển trọng tâm sang kích thích tiêu dùng, nhưng thị trường đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết về gói kích thích tài khóa đã được lên kế hoạch.
So với quý trước, nền kinh tế được dự báo tăng trưởng 1,0% trong quý III, cao hơn so với mức tăng trưởng 0,7% quý II, cuộc thăm dò cho thấy.
GDP của Trung Quốc sẽ được công bố vào chiều hôm nay. Các dữ liệu riêng biệt về hoạt động tháng Chín dự kiến sẽ cho thấy một bức tranh hỗn hợp, với doanh số bán lẻ tăng trong khi đầu tư giảm.
Dữ liệu gần đây cho thấy nguy cơ Trung Quốc rơi vào giai đoạn áp lực giảm phát kéo dài khi triển vọng xuất khẩu, điểm sáng duy nhất của nền kinh tế trong năm nay, có vẻ đang mờ đi trong bối cảnh các hạn chế thương mại từ nước ngoài.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng Chín trong khi nhập khẩu cũng giảm tốc, thấp hơn nhiều so với dự báo và cho thấy các nhà sản xuất đang giảm giá để đẩy hàng tồn kho trước khi các mức thuế quan từ một số đối tác thương mại được áp dụng.
Bên cạnh đó, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng Chín, trong khi giảm phát giá sản xuất tiếp tục trầm trọng, làm tăng áp lực buộc chính quyền Bắc Kinh phải thực hiện các bước để thúc đẩy nhu cầu khi xuất khẩu mất đà.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cam kết sẽ "tăng đáng kể" nợ công để phục hồi tăng trưởng, nhưng khiến các nhà đầu tư phải suy đoán về quy mô tổng thể của gói kích thích kinh tế.
Caixin Global đưa tin, trích dẫn nhiều nguồn tin cho biết, Trung Quốc có thể huy động thêm 6 nghìn tỷ nhân dân tệ (842,60 tỷ USD) từ trái phiếu kho bạc đặc biệt trong 3 năm để giúp thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu thông qua việc mở rộng kích thích tài khóa.
Trong khi đó, Reuters đưa tin hồi tháng trước rằng Trung Quốc có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm nay để tăng nguồn cho gói kích thích tài khóa mới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) vào cuối tháng Chín đã công bố các biện pháp hỗ trợ tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đại dịch COVID-19, bao gồm cắt giảm lãi suất, bơm thanh khoản 1 nghìn tỷ nhân dân tệ cùng các giảo pháp khác để hỗ trợ thị trường bất động sản và chứng khoán.
Các chuyên gia phân tích được Reuters thăm dò ý kiến dự đoán PBoC sẽ xác lập mức cắt giảm 20 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm, lãi suất cho vay chuẩn; cũng như mức cắt giảm 25 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong quý IV.