Chu kỳ nới lỏng tiền tệ ngày càng mạnh
Bình thường hóa, không phải nới lỏng tiền tệ Fed "mạnh tay" cắt giảm lãi suất, báo hiệu chu kỳ nới lỏng tiền tệ mới BOK sẽ khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ với mức giảm 25 điểm cơ bản vào ngày 11/10 |
Đầu tiên phải nói tới là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng của mình với việc mạnh tay cắt giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản vào tháng trước. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong hơn 4 năm và được kỳ vọng sẽ còn cắt giảm thêm lãi suất. Tuy nhiên theo giới chuyên môn, Fed sẽ không có thêm các lần cắt giảm mạnh như vậy vì nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh. Hiện thị trường đang định giá Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa cho đến cuối năm.
NHTW được quan tâm tiếp theo chính là NHTW châu Âu (ECB) khi cơ quan này vừa có lần cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Hiện thị trường đang kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong ba cuộc họp tiếp theo và sẽ đưa lãi suất chuẩn của mình từ mức hạn chế tăng trưởng xuống ít nhất là mức trung lập vào nửa cuối năm 2025.
Lãi suất đồng đôla Mỹ sẽ còn giảm thêm |
NHTW Anh (BoE) cũng đã cắt giảm lãi suất từ 5,25% xuống 5% vào tháng 8 và thị trường đã nâng mức cược vào việc nới lỏng hơn nữa sau khi dữ liệu mới đây cho thấy lạm phát tại Anh đã giảm đáng kể so với mục tiêu. Chỉ số giá tiêu dùng tại Anh chỉ tăng với tốc độ hàng năm là 1,7% vào tháng 9, thúc đẩy thị trường tiền tệ định giá gần 90% khả năng BoE sẽ có thêm hai lần cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay.
Tại Thụy Sĩ, nhu cầu về đồng franc Thụy Sĩ khiến NHTW nước này ít gặp vấn đề về lạm phát hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. Thậm chí Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) hiện đang phải đối mặt với tình trạng giá cả giảm quá mạnh. Theo đó, lạm phát tại Thụy Sĩ đã giảm xuống còn 0,8%, cho phép SNB tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống 1% vào tháng 9 và được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất xuống còn 0,5% vào tháng 3/2025 để thúc đẩy xuất khẩu, vốn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sức mạnh của đồng franc so với đồng euro.
Với Thụy Điển, NHTW nước này (Riksbank) thậm chí đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 5 sau khi các đợt tăng lãi suất của họ đã kìm hãm lạm phát nhưng lại đẩy nhanh suy thoái kinh tế. Tại cuộc họp chính sách tháng 9, Riksbank tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống 3,25% và phát đi tín hiệu có thể cắt giảm thêm lãi suất vào tháng 11, tháng 12 và tháng 1/2025.
Còn tại Canada, thị trường cũng đang kỳ vọng NHTW Canada (BoC) sẽ hạ lãi suất lần thứ tư liên tiếp vào ngày 23/10 và thậm chí cơ quan này có thể cắt giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản xuống còn 3,75%. Lạm phát tại Canada đã giảm xuống còn 2%, trong khi nền kinh tế trì trệ.
Tương tự tại New Zealand, lạm phát đã giảm xuống 2,2% trong quý II, lần đầu tiên nằm trong phạm vi mục tiêu 1-3% của Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) kể từ tháng 3/2021. Điều đó giúp RBNZ có dư địa để tiếp tục nới lỏng thêm chính sách sau khi đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 10. Hiện thị trường đang kỳ vọng RBNZ sẽ có động thái như vậy vào tháng 11 và có khả năng là tháng 2/2025.
Trong khi đó, NHTW Na Uy (Norges Bank) vẫn có quan điểm “diều hâu”. Tháng trước, Norges Bank đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4,50% và cho biết bất kỳ đợt cắt giảm nào cũng phải đợi đến quý đầu tiên của năm 2025. Lý do là mặc dù lạm phát cơ bản tại nước này đã bất ngờ giảm vào tháng 9, nhưng lạm phát tổng thể vẫn đứng ở mức khá cao.
Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) cũng có quan điểm “diều hâu”. Theo đó RBA đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4,35% kể từ tháng 11 năm ngoái và không loại trừ khả năng tăng thêm lãi suất để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2-3% một cách bền vững. Lạm phát tại Australia đã chậm lại ở mức thấp nhất trong ba năm là 2,7% vào tháng 8, nhưng dữ liệu thị trường lao động mạnh mẽ vừa được công bố đã khiến các nhà đầu tư chỉ định giá 30% cơ hội RBA sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối năm.
NHTW duy nhất trong G10 là NHTW Nhật Bản (BoJ) hiện đang muốn tăng lãi suất. Lạm phát gia tăng đã thúc đẩy BoJ tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7. Tuy nhiên động thái này đã khiến thị trường hỗn loạn nên phần lớn các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự kiến BoJ sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay. Điều đó càng được củng cố khi tân Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba cho biết, nền kinh tế chưa sẵn sàng cho các đợt tăng giá tiếp theo.