SCIC: Nhà đầu tư chiến lược
Được lớn nhất là đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước
Trong hơn 10 năm qua, hoạt động đầu tư, kinh doanh của SCIC đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu luôn đạt mức cao so với mức bình quân chung của các DNNN. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm là 56% (tăng 55 lần so với năm 2006), vốn chủ sở hữu tăng bình quân 31%/năm, tổng tài sản tăng bình quân 36%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân đạt 56%/năm, nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 99%/năm, các chỉ số ROE tăng bình quân 19% và ROA tăng bình quân 15%/năm.
Trong triển khai tái cơ cấu DNNN, SCIC là một trong những Tổng công ty đi đầu với hiệu quả bán vốn tại các DNNN không cần nắm giữ hoặc chi phối đạt hiệu quả cao.
Phó tổng giám đốc SCIC Hoàng Nguyên Học cũng cho biết, SCIC đã triển khai thành công bước đầu hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, gắn với thị trường và đạt hiệu quả khá cao. Tổng vốn đầu tư đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là trên 24.336 tỷ đồng.
Đặc biệt trong 2 năm qua, SCIC đã giải ngân đầu tư gần 8.500 tỷ đồng (chiếm hơn 30% tổng số vốn đã giải ngân trong 10 năm qua) khi thực hiện Đề án tái cơ cấu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Qua gần 10 năm, rất vất vả nhưng SCIC đầu tư không được nhiều như xã hội kỳ vọng”, theo ông Học, vì phải rất cân nhắc vấn đề hiệu quả.
Một vấn đề đang gợn lên với SCIC, đó là tiến độ chuyển giao vốn về SCIC rất chậm do một số bộ, địa phương trì hoãn chưa tích cực bàn giao. Qua gần 10 năm hoạt động, vốn nhà nước giao về cho SCIC quản lý chỉ bằng 3% tổng số vốn nhà nước tại các DN. Với 3% này, hoạt động của SCIC sẽ khó mang lại chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước đối khu vực DNNN như xã hội đòi hỏi ở SCIC.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thành lập SCIC là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại DN từ cơ chế mệnh lệnh hành chính sang cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn; góp phần bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước qua các hoạt động đầu tư tài chính.
Từ bản lĩnh đầu tư đến tập đoàn tài chính quy mô lớn
“SCIC phải thể hiện được sự bản lĩnh trong các quyết định đầu tư vào các dự án, để đảm bảo hiệu quả cao nhất… Phải đánh giá kỹ hiệu quả thì mới quyết định đầu tư, không được vội vã”, Phó thủ tướng lưu ý.
SCIC nên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không quan tâm hoặc không đủ năng lực đầu tư; nghiên cứu đầu tư vào những ngành mới có tính chất chiến lược quốc gia như sản phẩm khoa học công nghệ mới mà nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam đã làm chủ hay khởi nghiệp thành công nhưng cần vốn đầu tư ban đầu lớn. SCIC cần thực hiện tốt hơn việc tái cơ cấu hay đầu tư thêm vốn để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của những DN đã tiếp nhận bàn giao
Ông nói rằng, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và SCIC tiếp tục rà soát, hoàn thiện Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2016- 2020 tầm nhìn tới năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, làm cơ sở đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại DN.
Đi liền với đó, SCIC chủ động đề xuất để Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng tướng Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Nghị định thay thế Nghị định số 57/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC phù hợp với các luật mới được ban hành”, Phó thủ tướng đề nghị.
Về chủ trương thoái vốn tại các DN có vốn nhà nước đang hoạt động hiệu quả, Phó thủ tướng yêu cầu SCIC bám sát các nghị quyết của Trung ương và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới, phát triển DNNN để đạt lợi ích cao nhất cho nhà nước và xã hội, phù hợp với mục tiêu, định hướng hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt kỳ vọng “SCIC phải là một tổng công ty mạnh của nhà nước, gương mẫu trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản, vốn của nhà nước không chỉ trong khối DNNN mà cả các thành phần DN khác”.
SCIC sẽ trở thành tập đoàn tài chính quy mô lớn, nhà đầu tư chiến lược của Nhà nước đối với nền kinh tế, từng bước vươn ra quốc tế, thúc đẩy có hiệu quả quá trình tái cơ cấu DNNN, nâng cao hiệu quả nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ động hội nhập quốc tế thành công.