Sẽ mở rộng thử nghiệm các dịch vụ thanh toán điện tử khác trên blockchain
Thử nghiệm thành công chuyển tiền liên ngân hàng trên nền tảng blockchain | |
Ứng dụng Blockchain: Phải có cơ cấu chính sách sáng suốt |
Ông Nguyễn Hưng Nguyên |
Việc NAPAS cùng 3 NHTM thử nghiệm thành công chuyển tiền giao dịch qua công nghệ blockchain mang ý nghĩa gì, thưa ông?
Mục tiêu của chúng tôi khi làm thử nghiệm là đánh giá tính khả thi, hiệu quả thực tế khi áp dụng công nghệ, xác định ảnh hưởng hệ thống đến hạ tầng trung tâm như NAPAS. Do đó, kết quả của lần thử nghiệm này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp làm rõ những hiểu lầm còn tồn tại xung quanh công nghệ blockchain. Công nghệ này không đồng nghĩa với tiền ảo và có thể được ứng dụng một cách rất linh hoạt vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp.
Kết quả thử nghiệm cũng giúp chúng tôi chứng minh khả năng ứng dụng các công nghệ đột phá trong ngành ngân hàng và thanh toán. Các công nghệ này có thể giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường, tăng cường chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận hành cho ngân hàng và người hưởng lợi lớn nhất sẽ là các khách hàng cuối.
Trong kế hoạch phát triển tới đây, NAPAS sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng để mở rộng phạm vi lẫn quy mô thử nghiệm đến các dịch vụ thanh toán điện tử khác. Đồng thời, triển khai thêm các quy luật giám sát và cảnh báo trên các hợp đồng thông minh nhằm giúp giao dịch điện tử thêm an toàn và thuận tiện và đó luôn luôn là mục tiêu NAPAS hướng tới.
Ông từng chia sẻ, ưu việt của ứng dụng blockchain vào các giao dịch chuyển tiền, thanh toán của NHTM là giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro?
Đúng là đối với các giao dịch ngân hàng, việc giảm chi phí và giảm rủi ro đến từ việc tối ưu hóa quy trình đối soát hàng ngày, vốn là quy trình tiêu tốn nhiều thời gian và công sức của cả phía ngân hàng lẫn NAPAS. Công nghệ blockchain cho phép dữ liệu giao dịch được chia sẻ một cách hiệu quả hơn giữa các bên tham gia. Dữ liệu này cũng được xác nhận bởi chữ ký điện tử của nhiều bên và do vậy, tính an toàn sẽ được cải thiện.
Ảnh minh họa |
Thực tế việc giám sát tuân thủ hiện nay vẫn đang được thực hiện theo cách khá truyền thống và đơn giản. NAPAS sẽ thu thập toàn bộ dữ liệu giao dịch trong mạng lưới blockchain và chuyển dữ liệu này về một bộ công cụ phân tích dữ liệu sẵn có.
Các quy luật liên quan đến phòng chống rửa tiền, quản lý rủi ro sẽ được dò quét và cảnh báo khi có vi phạm. Dữ liệu này cũng được chia sẻ với hệ thống nghiệp vụ sẵn có của NAPAS để lên các báo cáo quyết toán giữa các ngân hàng. Báo cáo quyết toán sau đó sẽ được gửi tới Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) đặt tại NHNN nhằm thực hiện quyết toán cho các ngân hàng. Các quy trình này còn rất nhiều dư địa cho việc tối ưu hóa, tự động hóa và đó sẽ là một trong những mục tiêu kế tiếp của NAPAS.
Có ý kiến cho rằng, khi hành lang pháp lý với blockchain chưa có thì việc thử nghiệm cần được khuyến khích?
Theo quan điểm của đại diện NHNN, blockchain có thể giải quyết được nhiều vấn đề, tuy nhiên đối với ngân hàng, lựa chọn nghiệp vụ nào vào ứng dụng blockchain vẫn cần phải được tính toán kỹ.
Hiện tại chưa có hành lang pháp lý nào cho các công nghệ mới như blockchain. NAPAS cũng cho là việc áp dụng công nghệ blockchain vào các giao dịch thanh toán nên cân nhắc theo hướng thay thế thận trọng thay vì thay đổi ngay lập tức những cái cũ. Đồng thời, các ngân hàng cần ưu tiên số hóa các dịch vụ trước khi kết nối chung trên một hạ tầng công nghệ mới.
Về cơ bản hành lang pháp lý luôn đi chậm hơn sáng tạo đây là vấn đề chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Vì thế cần có chính sách khuyến khích thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới khi chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Theo đó, cần tham khảo mô hình của các nước trong khu vực và thế giới về việc tạo ra các môi trường thử nghiệm để khuyến khích các công ty đưa ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, đừng để vì chưa có quy định pháp lý mà sáng tạo không thể ra đời.
NHNN vừa qua đã chủ động đề xuất, kiến nghị về việc xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ cho phát triển ngân hàng số, cho phép triển khai khuôn khổ pháp lý thử nghiệm đối với các doanh nghiệp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox) và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ về khuôn khổ này trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!