Sẽ trình phương án đấu giá để xử lý nợ xấu xin ý kiến đại biểu
Trình 2 phương án đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
Ảnh minh họa |
Trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản, các đại biểu quan tâm nhiều đến vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong dự thảo Luật.
Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản, do còn có những ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Phương án 1: Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC. Do vậy, xin sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung mục 3 gồm 2 điều về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm 0 khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá...
Phương án 2: Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.
Nghiêng về phương án 1, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng quy định như vậy ngay trong luật sẽ tạo được một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ rõ và phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần giúp cho việc xử lý nợ xấu cũng như xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả hơn, sớm làm lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tín dụng và nền kinh tế. Tuy nhiên, do nội dung này mới được bổ sung nên còn một số vấn đề cần được rà soát, hoàn chỉnh thêm.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP. Cần Thơ) cũng đồng ý phương án 1 dự thảo luật về việc quy định một số nguyên tắc việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự thủ tục phù hợp với thực tiễn xử lý nợ xấu.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, VAMC là hiện tượng tức thời của nền kinh tế để phục vụ việc xử lý nợ xấu và VAMC đang hoạt động theo Nghị định 53 của Chính phủ.
Ngoài việc bán đấu giá, VAMC còn thực hiện nhiều việc khác nên Chính phủ có trình phương án quy định một số điều mang tính chất nguyên tắc về mua bán nợ xấu. Trong bán nợ xấu có hình thức bán đấu giá, theo đó, VAMC có thể ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán, là trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc doanh nghiệp bán đấu giá hoặc tự mình bán. Mặc dù nó là hiện tượng tức thời nhưng cũng phải có quy định nên mới đưa vào một điều ở Chương VIII là điều khoản thi hành.
“Chúng tôi thấy về nguyên tắc có thể chấp nhận được phương án 1, nhưng cần làm rõ là VAMC chỉ được bán tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm cho nợ xấu. Đây không phải là một tổ chức bán đấu giá hoạt động được như trung tâm dịch vụ đấu giá hoặc các doanh nghiệp đấu giá khác. Trong quá trình bán đấu giá đó, nếu ký hợp đồng với đấu giá viên là một câu chuyện, còn nếu tự mình bán thì trình tự, thủ tục phải theo quy định của Luật đấu giá này. Cho đến bây giờ thực tế cho thấy VAMC chưa tự bán mà chủ yếu là ký hợp đồng với các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để bán”, ông Long cho biết.
Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, riêng về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu còn ý kiến khác nhau lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Thư ký của Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua luật.