Sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp được lợi gì?
Việc áp dụng thuế suất riêng đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là một bước đột phá của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi được Chính phủ trình ra Quốc hội lần này.
Thuế TNDN là loại thuế trực thu, điều tiết trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và là loại thuế đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vậy, một chính sách thuế hợp lý, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường hạch toán kế toán, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và NSNN.
Ảnh minh họa
Một trong những yêu cầu của doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là được kinh doanh trong môi trường pháp luật đồng nhất, rõ ràng, minh bạch. Việc sửa đổi Luật thuế TNDN lần này phải nhằm phát huy các ưu điểm của Luật hiện hành, đồng thời từng bước khắc phục các hạn chế, tồn tại của Luật ảnh hưởng đến phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc sửa đổi Luật cũng phải phù hợp với chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011.
Vậy Luật sửa đổi một số điều của Luật thuế TNDN mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp này có giải quyết được những yêu cầu nêu trên không và mang lại kỳ vọng gì cho cộng đồng doanh nghiệp?
Tạo cho DN khả năng tích tụ để mở rộng sản xuất
Mức thuế suất thuế TNDN là thể hiện tỷ lệ điều tiết tiền của NSNN và doanh nghiệp trên khoản tiền lãi (thu nhập chịu thuế) do doanh nghiệp tạo ra. Thông thường số lãi được chia thành 3 phần và phân chia theo tỷ lệ: để lại doanh nghiệp 2 phần, nộp NSNN 1 phần.
Luật Thuế TNDN năm 1997 có hiệu lực thi hành từ 1/1/1999 có thuế suất là 32%; Luật Thuế TNDN năm 2003 có hiệu lực thi hành áp dụng từ ngày 1/1/2004 điều chỉnh giảm 4 %: từ 32% xuống 28%; Luật Thuế TNDN năm 2008 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009 điều chỉnh giảm 3 %: từ 28% xuống 25% áp dụng thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp.
Theo dự thảo lần này thuế suất thuế TNDN còn được giảm sâu theo lộ trình và áp dụng riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, thuế suất cơ bản áp dụng từ 1/1/2014 giảm thêm 3%: từ 25% xuống 22%, từ 1/1/2016 giảm tiếp từ 22% xuống 20%. Còn thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 1/1/2014 giảm từ 25% xuống 20%, từ 1/1/2016 giảm tiếp từ 20% xuống 17%.
Việc giảm thuế suất thuế TNDN sẽ làm giảm nguồn thu của NSNN khoảng 20.000 tỷ dồng. Tuy nhiên phần giảm thu này sẽ tăng tương ứng phần vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm chi phí trả lãi tiền vay, giảm giá thành, chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần khắc phục có khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực.
Việc áp dụng thuế suất riêng đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là một bước đột phá của Luật Thuế TNDN sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội lần này. Tuy còn băn khoăn về tiêu thức, ngưỡng xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, nhưng việc áp dụng thuế suất riêng, thấp hơn thuế suất cơ bản là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với đối tượng này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng tích tụ nhiều hơn, tiếp tục mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Mở rộng diện ưu đãi thuế TNDN
Dự thảo Luật sửa đổi cụ thể hóa thêm một số lĩnh vực, ngành nghề được áp dụng thuế suất ưu đãi, như kinh doanh trong lĩnh vực xã hội hóa: dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hóa, hoạt động xuất bản, báo chí... ngoài ra dự thảo Luật sửa đổi lần này còn cho phép ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng của doanh nghiệp.
Theo đó Luật Thuế TNDN năm 1997 có hiệu lực thi hành từ 1/1/1999 và Luật Thuế TNDN năm 2003 có hiệu lực thi hành áp dụng 1/1/2004 quy định doanh nghiệp đang hoạt động có hoạt động đầu tư mở rộng thì được ưu đãi đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại. Nhưng từ 1/1/2009, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 bãi bỏ điều khoản ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng mà chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động có hoạt động đầu tư mở rộng dưới nhiều hình thức đa dạng: mở một phân xưởng sản xuất mới, dây chuyền sản xuất mới, xây dựng cơ sở sản xuất mới tại cùng địa bàn hoặc khác địa bàn nơi có trụ sở chính hạch toán kế toán độc lập, thành lập pháp nhân mới hoặc chỉ là cơ sở hạch toán phụ thuộc...
Tuy nhiên theo Luật hiện hành thì các trường hợp không thành lập mới đều không được ưu đãi thuế. Để được hưởng thuế suất ưu đãi buộc doanh nghiệp phải thành lập doanh nghiệp mới vừa tốn kém chi phí vừa khó khăn trong quản lý kinh doanh, vừa thiếu động lực khuyến khích, mở rộng đầu tư phân bổ nguồn lực có hiệu quả của doanh nghiệp.
Do đó, quy định cho phép ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng của doanh nghiệp của Luật sửa đổi lần này đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp có thể có thêm nguồn vốn để đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất kinh doanh....
Về các khoản chi được trừ và không được trừ
Đây là nội dung khó nhất và dễ tạo ra tính thiếu minh bạch nhất của Luật Thuế TNDN. Để được xác định là khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN thì các khoản chi phải đáp ứng đủ các điều kiện: Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, đồng thời các khoản chi đó không thuộc các khoản chi phí không được trừ quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Thuế TNDN.
Thực sự, việc áp dụng quy định này là không dễ dàng trong hạch toán đối với doanh nghiệp. Có những khoản chi phí phát sinh thực tế, có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cho là liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cơ quan quản lý lại cho là không liên quan. Bên cạnh đó, một số quy định khoản chi, ngoài thỏa mãn các nguyên tắc trên còn phải làm thủ tục đăng ký thông báo cho cơ quan thuế mới đủ điều kiện trừ.
Ví dụ quy định: “Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa vượt định mức tiêu hao do doanh nghiệp xây dựng, thông báo cho cơ quan thuế” sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN. Thực tế cho thấy các quy định này không thiết thực trong quản lý mà lại tăng thêm chi phí cho xã hội: doanh nghiệp mất nhiều thời gian để thông báo cho cơ quan thuế về định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu do bản thân doanh nghiệp tự xây dựng, cơ quan thuế hầu như không sử dụng số liệu này nhưng không thông báo sẽ không được chấp nhận là chi phí thực tế... Lần này dự Luật cho bỏ quy định về khoản chi không được trừ đối với chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa. Quy định này đã nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó chi về quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí... cũng được rà soát lại cho phù hợp với thực tế và nâng tỷ lệ khống chế về chi phí quảng cáo, khuyến mại lên 15% đối với các loại hình doanh nghiệp không phân biệt doanh nghiệp mới thành lập.
Ngoài ra một số khoản chi chi về tài trợ, chi đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội cho người lao động của doanh nghiệp, quy định về "vốn mỏng" (chi phí trả lãi tiền vay) cũng được nghiên cứu sửa đổi bổ sung để nới rộng khoản chi phí thực tế phát sinh gần hơn với chi phí tính thuế TNDN.
Hy vọng nội dung sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNDN sẽ được Quốc hội thông qua để đáp ứng phần nào kỳ vọng của doanh nghiệp. Việc giảm thuế suất thuế TNDN và nới rộng một số khoản chi phí tính thuế, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của NSNN. Nhưng tin tưởng rằng số tiền thuế cắt giảm sẽ được doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, góp phần mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều của cải vật chất cho xã hội và góp phần đóng góp nguồn thu cho NSNN ở các chu kỳ kinh doanh sau.
Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Theo Chinhphu.vn