Tài chính và Ngân hàng xanh: Ai cũng muốn, làm có dễ?
Tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt mới đây, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã giới thiệu Dự thảo Chương trình hành động để thực hiện Chiến lược này.
Như vậy, có thể hình dung một hành lang và khung khổ cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được hình thành. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn ngân sách quốc gia ở một nước đang phát triển như Việt Nam còn eo hẹp, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về vốn cho Việt Nam cũng có giới hạn, việc tham gia tích cực hơn của hệ thống tài chính - ngân hàng trong “xanh hóa” nền kinh tế được nhìn nhận đóng vai trò quan trọng.
Đây cũng là một trong những lý do chính để Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với NHNN và Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Tài chính và Ngân hàng xanh” ngày 25/6 vừa qua.
Do thiếu vốn nên nhiều DN ít quan tâm tới bảo vệ môi trường
Theo bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng - Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngân hàng xanh là các hoạt động, nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng nhằm khuyến khích các hoạt động vì môi trường và giảm phát thải các-bon.
Theo đó, ngân hàng có các hoạt động như khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ xanh; áp dụng các tiêu chuẩn môi trường khi duyệt vốn vay; cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án giảm các-bon, dự án về năng lượng tái tạo…
Nhận thức rủi ro môi trường trong hoạt động ngân hàng ngày càng tăng nên từ nhiều năm qua, NHNN phối hợp cùng với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), GIZ… đã tổ chức nhiều hội thảo và tiến hành các khảo sát để hướng đến triển khai chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam.
NHNN đã và đang phối hợp với IFC xây dựng văn bản quy định về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và đầu tư. Được biết trong quý II và quý III/2013, NHNN sẽ xin ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường, xã hội; sau đó sẽ ban hành chính thức vào quý IV/2013 hoặc quý I/2014. Song song với đó, NHNN sẽ tổ chức đào tạo và có những hướng dẫn chi tiết đến các TCTD.
Như vậy, xem ra việc hướng hệ thống tài chính và ngân hàng theo hướng phát triển xanh trên sẽ không quá khó khăn. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo, phía trước còn vô vàn thách thức để thực hiện được Chiến lược tăng trưởng xanh đề ra.
Trong đó, theo bà Hồng, 3 thách thức lớn cần vượt qua là: Nhận thức còn hạn chế về tài chính và ngân hàng xanh; Chính sách, luật pháp còn thiếu hoặc chưa hỗ trợ phát triển tài chính và ngân hàng xanh; Sự sẵn sàng chưa cao cho tài chính và ngân hàng xanh.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Roland Gross – Giám đốc Quỹ vùng đặc biệt về phát triển hệ thống tài chính ở Hội sở của GIZ dẫn các kinh nghiệm quốc tế cho rằng, các rào cản/thất bại thị trường trong triển khai hệ thống tài chính và ngân hàng xanh xuất hiện ở cả ba cấp độ: Cấp chính sách; Cấp ngân hàng và Cấp DN. Đơn cử như với các ngân hàng, họ thường gặp khó khăn khi đánh giá các dự án tài chính xanh, đặc biệt liên quan đến các rủi ro.
Mặt khác, “thói quen” của các ngân hàng là thường tập trung vào tài sản thế chấp hơn là dòng tiền; tập trung vào các dự án ngắn hạn hơn là các dự án dài hạn… Đây đều là những yếu tố cản trở sự phát triển của tài chính xanh.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng tăng trưởng xanh không mang lại các cơ hội. Theo TS. Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), nhu cầu vốn cho tài chính xanh là vô cùng lớn. Theo tính toán để giảm được tỷ lệ phát thải theo kế hoạch đặt ra từ nay đến năm 2020, thì chỉ với 9 ngành công nghiệp chính sẽ cần triển khai 35 hoạt động chính sách và cần tới trên 30 tỷ USD vốn đầu tư.
Trong bối cảnh vốn từ ngân sách Nhà nước cũng như từ bên ngoài còn hạn chế thì đây cũng có thể xem là một mảnh đất đem lại nhiều lợi ích bền vững cho chính các TCTD (lợi nhuận, uy tín…), cho các DN được vay vốn cũng như cho cộng đồng. Đây là thực tế mà các NHTM cần để tâm, nhất là trong bối cảnh thanh khoản và vốn đầu vào ngày càng tích cực hiện nay.
Đỗ Lê