Tái cơ cấu kinh tế: Phải bắt đầu từ thể chế và con người
Đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế | |
Tái cơ cấu kinh tế: Kết quả bước đầu đáng ghi nhận | |
Tái cơ cấu kinh tế là phân bổ lại nguồn lực |
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu trong Đề án tổng thể tái cơ cấu 2013-2020, khắc phục hạn chế trong thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua. Song nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ mô hình tăng trưởng, từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới.
Cùng với đó là phải chỉ ra những vấn đề tồn đọng cần hoàn thành trong 2 năm đầu của Kế hoạch để tập trung nguồn lực tái cơ cấu các lĩnh vực khác. Gắn tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thu hút nguồn lực cho tăng trưởng trong xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và các TCTD là 3 nhiệm vụ trọng tâm cần sớm hoàn thành trong thời gian tới |
Một số ý kiến khác thì cho rằng, 5 nhóm nội dung tái cơ cấu đã bao quát các lĩnh vực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ căn cứ lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên theo từng nhóm nội dung; nghiên cứu bổ sung một số nhiệm vụ có vai trò lớn đối với an ninh tài chính (nhiệm vụ về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước), nâng cao hiệu quả, động lực phát triển sản xuất (nhiệm vụ phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ).
Từng nhiệm vụ cần tập trung nguồn lực bảo đảm rõ ràng, xác định các nhiệm vụ kèm theo lộ trình hoàn thành, phương thức phân bổ nguồn lực như yêu cầu trong Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội. Các nhiệm vụ phải hướng tới thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng; thể hiện mức độ ưu tiên và lộ trình thực hiện từng nhiệm vụ trong giai đoạn ngắn hạn (1-2 năm) và trung hạn (3-5 năm).
Do vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành ba trọng tâm tái cơ cấu (đầu tư công, DNNN và các tổ chức tín dụng), tập trung nguồn lực tái cơ cấu khu vực công, ngành kinh tế, vùng kinh tế. Bởi lẽ quá trình tái cơ cấu vừa qua tập trung vào ban hành chính sách, thực hiện 3 trọng tâm và còn nhiều khó khăn; các nội dung khác chưa triển khai nhiều, nhất là tái cơ cấu khu vực công, các ngành và vùng kinh tế. Cần có quyết sách sớm hoàn thành 3 trọng tâm trong năm 2017, nửa đầu năm 2018, nhất là tái cơ cấu DNNN, đầu tư công phù hợp với phân tích của Chính phủ.
Bên cạnh đó, phải gắn tái cơ cấu kinh tế với hội nhập kinh tế, gắn tái cơ cấu công nghiệp và dịch vụ với tái cơ cấu nông nghiệp; quan tâm phát triển mạnh du lịch và kinh tế biển. Rà soát cam kết FTA, đưa ra các yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc phát triển của từng ngành kinh tế, cấu trúc lại thị trường xuất, nhập khẩu; chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập và tạo lực đẩy đối với cải cách kinh tế trong nước.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, cần rà soát ngay chính sách phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu giảm mạnh tỷ trọng gia công, lắp ráp, tăng hàm lượng chế tạo, chế biến. Có giải pháp thiết thực gắn tái cơ cấu công nghiệp và dịch vụ với tái cơ cấu nông nghiệp; lộ trình hình thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tổ hợp nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ công nghệ cao; đề xuất chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia các tổ hợp này; áp dụng mạnh khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ cao; phát triển thị trường lao động, cân đối cung cầu lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, nâng cao năng suất lao động, đồng thời tăng tính liên kết giữa các địa phương trong vùng.
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giám sát thật tốt hai vấn đề: về con người và thể chế bởi lẽ đây là những điểm nghẽn, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân kìm hãm, làm chậm quá trình phát triển của đất nước.
Về vấn đề con người, nguồn lực của sự phát triển, ông Hiểu cho rằng cán bộ là gốc của mọi công việc. Trong các nguyên nhân của hạn chế về tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đều đề cập đến nguyên nhân từ bộ máy và con người.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần tập trung giải quyết 3 bất cập: Một, việc bố trí, sắp xếp phân công không ít cán bộ trong các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp không phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sở trường; Hai, một số cán bộ, công chức không yếu về năng lực, trình độ, thậm chí so với công chức các nước trong khu vực nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Ba là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.
Về vấn đề thể chế, ông cho rằng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong ba đột phá chiến lược đang được Đảng, Nhà nước quan tâm triển khai thực hiện, nhưng so với yêu cầu chúng ta chưa thể hài lòng. Đất nước còn nhiều văn bản pháp luật chất lượng không cao, hiệu lực ngắn, xung đột chồng chéo với các văn bản khác trong hệ thống, khó đi vào đời sống, một số văn bản khác trói buộc, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và sức sáng tạo của nhân dân.
Có cả những văn bản doanh nghiệp và cử tri kêu ca là thể hiện rõ sự trục lợi và lợi ích nhóm, ôm quyền và lợi ích về mình còn đẩy khó khăn, trách nhiệm cho địa phương, cơ sở. “Một xã hội khởi nghiệp, sáng tạo thật khó sinh sôi và phát triển trong một môi trường pháp lý như vậy”, ông Hiểu nhấn mạnh.