Tái cơ cấu nền kinh tế thành tựu có nhiều nhưng vẫn xa kỳ vọng
Thành tựu đáng ghi nhận
Theo báo cáo, quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Ổn định kinh tế vĩ mô liên tục được giữ vững; Chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao, môi trường kinh doanh có sự cải thiện; Xu hướng hồi phục tăng trưởng kinh tế đang ngày càng rõ nét.
Bên cạnh đó hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể. Môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư đã được cải thiện mạnh mẽ nhờ thông qua các luật về doanh nghiệp, đầu tư và đã được các tổ chức xếp hạng thế giới ghi nhận có sự cải thiện, và nhiều khả năng trong các bảng xếp hạng tới, thứ hạng của Việt Nam sẽ còn tiếp tục cải thiện mạnh mẽ. Các hoạt động đầu tư công, hoạt động của các DNNN, của hệ thống ngân hàng đã trở nên minh bạch hơn, có sự giám sát lớn hơn.
Ảnh minh họa |
Kết quả chưa được như mong đợi
Mặc dù những thành công của quá trình tái cơ cấu là rất đáng khích lệ nhưng hệ thống phân bổ nguồn lực vẫn còn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của bàn tay Nhà nước, do đó hiệu quả đạt được chưa như mong đợi.
Tái cơ cấu NHTM dù được triển khai mạnh mẽ và sớm nhất trong 3 trụ cột tái cơ cấu, nhưng vẫn còn tiếp tục được đảy mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng co với khu vực và quốc tế.
Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư. Kỷ luật kỷ cương đầu tư công còn lỏng lẻo. Mặc dù đã có những văn bản pháp luật quy định chặt chẽ, những chỉ thị liên tục của Thủ tướng Chính phủ nhưng rất nhiều địa phương vẫn tiếp tục xảy ra sai phạm và không thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng. Các quy trình quản lý đầu tư công theo hiệu quả đầu tư chưa hình thành.
Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn đặc biệt từ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công. Các yếu tố thúc đẩy nợ công tăng đang rất hiện hữu.
Đối với tái cơ cấu DNNN, tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, chất lượng cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề. Một số DN về thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ DNNN sang công ty cổ phần khi tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân chỉ rất nhỏ; hoặc không có các nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp; hoặc các đối tác mua cổ phần lại là những DNNN, tức là xét riêng là các doanh nghiệp cổ phẩn nhưng xét chung trong hệ thống sở hữu chéo nhau giữa các doanh nghiệp này thì cả nhóm lại là DNNN.
Hạn chế, yếu kém lớn nhất của DNNN hiện nay là cơ chế hoạt động của DNNN nói chung và thể chế quản trị DNNN nói riêng còn nhiều điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Vì vậy, đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của DNNN và tiến trình hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ ở Việt Nam.
Tái cơ cấu vùng, ngành chưa đi vào thực chất, chưa tuân thủ các nguyên tắc thị trường trong liên kết vùng.
Về đổi mới thể chế kinh tế, theo báo cáo, những đổi mới thể chế vừa qua chỉ thực hiện trên bề mặt thông qua cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hệ thống pháp luật chuyên ngành,v.v… So với các nước trong khu vực thì những cải cách vẫn chưa đủ để đáp ứng tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi thân thiện với thị trường. Các chỉ số về môi trường kinh doanh, quản trị nhà nước của Việt Nam vẫn còn rất thấp.
Đặc biệt lưu ý là những vấn đề trong thể chế điều chỉnh quan hệ nội bộ các bộ máy nhà nước hầu như chưa được đụng chạm đến trong quá trình tái cơ cấu.
Và những việc cần làm ngay
Báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị để thực hiệ tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020. Trong đó cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trên cả bốn trụ cột: ổn định tiền tệ, ổn định tài khoá, ổn định thị trường và ổn định môi trường chính sách.
Theo báo cáo đến nay quá trình tái cơ cấu mới chỉ thực hiện được ba trọng tâm của tái cơ cấu ở trụ cột thứ nhất trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay chỉ mới đạt được ở mức ổn định về thị trường tài chính tiền tệ và chưa đạt được 3 trụ cột còn lại của ổn định kinh tế vĩ mô đó là ổn định tài khoá, ổn định thị trường và ổn định môi trường chính sách.
Báo cáo lưu ý, do đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân, nên nhân dân phải có quyền được biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào. Các dự án đầu tư công đều bắt buộc phải kiểm toán và kết quả kiểm toán phải được công bố công khai lên mạng Internet. Áp dụng đầy đủ cơ chế và nguyên tắc thị trường trong phân bổ vốn đầu tư nhà nước.
Cải cách DNNN trong giai đoạn tới cần tập trung vào đổi mới thể chế và cách thức quản trị DNNN và quản lý nhà nước đối với DNNN theo hướng các DNNN phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Nghiêm ngặt áp dụng nguyên tắc ngân sách cứng đối với DNNN. Tiến hành cổ phần hóa thực chất các DNNN với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài chứ không chỉ là sự sở hữu chéo của các DNNN với nhau.