Tái cơ cấu nền kinh tế đang rất xa kịch bản
“Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản” là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014, sẽ được tổ chức tại Ninh Bình trong các ngày 27 và 28/9/2014. Các học giả, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách tham dự Diễn đàn sẽ trao đổi về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014 và những khuyến nghị chính sách cho năm 2015, thảo luận về đánh giá kết quả tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế trong 3 năm qua.
Nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 là triển khai TCC 3 lĩnh vực: DNNN; đầu tư công; các TCTD và với mục tiêu tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản có hiệu quả rõ rệt. Nhưng dường như mục tiêu này rất có thể khó đạt được khi hạn cuối năm 2015 đang đến rất gần. Tình hình kinh tế tuy đã có những dấu hiệu tốt, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm có nhiều hy vọng đạt được nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn thấp, tổng cầu yếu, vốn tín dụng không ra được và rất nhiều những vấn đề ngổn ngang cần được giải quyết với những phân tích, khuyến nghị rất đa chiều.
Tổng cầu yếu, DN yếu, ngành NH đã có nhiều giải pháp kết nối NH-DN hỗ trợ nền kinh tế
Trao đổi với phóng viên TBNH trước khi tham dự Diễn đàn, TS. Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, bây giờ không khó chỉ ra những điều chưa làm được, những bất cập… nhưng cái khó là hiến kế gì. Theo cảm nhận của ông, “vẫn chưa thấy được nhiều ý kiến có lối thoát”. Tổng cầu đang rất yếu, cần phải tăng tổng cầu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, một trong những biện pháp là hỗ trợ sản xuất kinh doanh là nỗ lực đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế. Nhưng trong lúc tổng cầu yếu, DN yếu thì ngành Ngân hàng đã có nhiều biện pháp đưa vốn ra, nhưng khả năng hấp thụ vốn vẫn rất thấp.
“Tín dụng như xe đi trên đường còn tổng cầu như giao thông đang tắc nghẽn, vậy chiếc xe tín dụng có muốn giục chạy nhanh hơn cũng không được”, ông Phước nói.
Vậy bằng cách nào để thoát ra khỏi tình thế hiện nay? Quan điểm thì nhiều, giải pháp cũng nhiều và giải pháp nào được đưa ra cũng có những “cái lý của nó”. “Kích cầu hay hỗ trợ cung, giải pháp nào… Tranh luận, bàn bạc lựa chọn là một chuyện nhưng nền kinh tế không thể chờ đợi xem kích cầu hay áp dụng chính sách hỗ trợ nguồn cung thì cái nào đúng hơn… Đất nước, xã hội và nhân dân đang cần những hành động thực sự để tạo được những cú hích, những đột phá như các chuyên gia đã đưa ra”, ông Phước nói.
Và hành động thực tiễn đó là các vấn đề rất cụ thể: giải quyết nợ xấu, ổn định vĩ mô, là tăng hiệu quả sản xuất và khả năng tiêu thụ… “Đã đến lúc phải hành động cụ thể, nếu giàn hợp xướng opera cứ ca mãi bài ca Đổi mới thì không ổn. Đã đến lúc phải có một Điện Biên phủ về kinh tế nhưng là một Điện Biên Phủ hành động thực tế, không phải là những đề án trên giấy. Cần có những hành động, chính sách cụ thể vượt qua được chướng ngại vật để đi lên”, ông Phước khẳng định.
TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì bày tỏ: “Những điều đã thực hiện không đúng như dự kiến và rất xa với kịch bản TCC. Đó là cách nhìn của tôi, của đề án tái cải cách cơ cấu kinh tế là như thế”. Chỉ nói riêng vấn đề TCC DNNN, nếu những thể chế thị trường không thông, thì khó có thể nói TCC DNNN dứt khoát được. Để làm được, phải chuyển mạnh, chuyển nhanh, chuyển chắc chắn sang kinh tế thị trường để thị trường là nhân tố quyết định phân bổ nguồn lực. TCC là phân bổ lại nguồn lực, và chỉ khi mà thị trường đóng vai trò quyết định phân bố nguồn lực xã hội thì lúc đó mới có thể tính đến chuyện hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất.
Nhưng nhìn lại, còn rất nhiều việc phải làm. Một là, luật của ta không có hiệu lực tối cao mà do văn bản hành chính áp đặt. Vì thế, điều kiện môi trường kinh doanh không ổn định, không tiên lượng trước được, không rõ ràng, không cụ thể, rất hay thay đổi. Bởi thế, đặt nhà đầu tư trước rủi ro pháp lý rất lớn, khiến cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của Việt Nam trở nên rất rủi ro.
Ngoài ra, hệ thống tòa án của mình không đủ độ tin cậy và hiệu lực để giải quyết khi có tranh chấp. Khi giao dịch, mọi người luôn ở thế thủ, không muốn thiết lập những giao dịch mất chi phí mà phải đi tìm quan hệ giao dịch trên cơ sở quen thân. “Với cách nhìn như thế thì thấy rằng, rõ ràng thay đổi thuần túy khía cạnh kinh tế có lẽ không giải quyết được”, ông Cung nói.
Nhìn chung, những tham luận đã gửi trước tới Diễn đàn, phần lớn có chung một đánh giá rằng, kết quả TCC nền kinh tế bước đầu chưa như kỳ vọng, trong thực tế cũng chưa ghi nhận được những đột phá đáng kể của quá trình TCC. Không những vậy, những điều kiện tiền đề để tái cấu trúc như thay đổi tư duy và cải cách thể chế cũng không có tiến triển tích cực.
Với sự nhiệt huyết trên, Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 đang được xã hội kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong tiến trình TCC ngay sau cuộc gặp mặt hàng năm này của những cá nhân và tổ chức đang nắm vận mệnh đất nước hiện nay.
Linh Đan