Tăng trưởng hao mòn vì thiếu cạnh tranh
Kinh tế chuyển biến tích cực, tạo nền tảng cho năm 2018 | |
Nền kinh tế chạy nước rút | |
Tiêu dùng tăng khá hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế |
Cạnh tranh là linh hồn và nền tảng của kinh tế thị trường
“Thị trường thỉnh thoảng lại chứng kiến những hiện tượng vô lý đến kỳ lạ: giá xăng cứ giảm nhưng giá vận tải không giảm, giá sữa cứ tăng trong khi nguyên liệu không tăng… Cơ quan Nhà nước loay hoay tìm kiếm các giải pháp hành chính can thiệp nhưng không nổi. Vấn đề của cạnh tranh nhưng chẳng ai nói tới pháp luật cạnh tranh”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu.
Phát biểu của ông Lộc cho thấy thực trạng cơ quan quản lý thiếu tư duy cạnh tranh trong điều tiết giá độc quyền hoặc giá của nhóm DN chi phối thị trường, chưa hiểu rằng cách tốt nhất để bình ổn giá là tạo ra cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam. Ngành phân phối xăng dầu không phải là ngành độc quyền nhưng hiện nay ba DNNN, bao gồm Petrolimex, PV Oil và Xăng dầu Quân đội, đang chi phối thị trường này (trong đó, thị phần của Petrolimex là 50%, tiếp theo là PV Oil với 21%).
Ông Lộc nhắc lại những chuyện trước đây có những tỉnh mà “Cơ quan Nhà nước có thể vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, phải uống bia nội tỉnh, yêu cầu nông dân dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà…”. Những chuyện phản ánh hiện thực Nhà nước còn can thiệp vào thị trường bằng các công cụ hành chính, sử dụng quyền lực và sự duy ý chí để đi trước dẫn dắt thị trường khiến thị trường kém hiệu quả và là biểu hiện của một nền kinh tế thị trường thiếu cạnh tranh. Trong khi cạnh tranh là nền tảng, là linh hồn của thể chế kinh tế thị trường, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2016, thứ hạng của Việt Nam chỉ là 60/138, giảm 4 bậc so với năm 2015 (56/140), đứng sau 6 nước trong khu vực, chỉ đứng trên Lào và Campuchia.
Mức độ cạnh tranh trong nước năm 2016, Việt Nam đạt 5/7 điểm, không thay đổi so với năm 2015 nhưng tụt hạng từ vị trí 71/140 xuống vị trí 80/138 và có xu hướng giảm từ năm 2013 đến nay, thấp hơn của Philippines (5,2 điểm), Indonesia (5,3 điểm), Thái Lan (5,3 điểm) và Singapore (5,6 điểm). Chỉ số cạnh tranh bên ngoài là 4,58 điểm giảm so với năm 2015, xếp vị trí 63/138. Chỉ số này của Việt Nam liên tục giảm từ năm 2013 khi Việt Nam đạt điểm cao nhất là 4,77 điểm. Hiện nay, mức độ cạnh tranh từ bên ngoài của Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan, Malaysia và Singapore.
“Thực trạng cạnh tranh chưa công bằng, chưa bình đẳng, chưa cạnh tranh đúng bản chất đã tạo ra tín hiệu thị trường và động lực sai lệch, không khuyến khích đầu tư dài hạn, không khuyến khích tập trung và tích tụ để phát triển, mà trái lại thúc đẩy ứng xử thiên về đầu cơ tìm kiếm địa tô hơn là đầu tư tạo ra lợi nhuận, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội”, theo TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương.
Cũng bởi thị trường thiếu cạnh tranh, còn nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn phổ biến, quyền tự do kinh doanh chưa được thực thi đầy đủ, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, minh bạch, chưa bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, kiểm soát độc quyền chưa thực sự hiệu quả… nên hậu quả là nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn kém năng động với tốc độ tăng trưởng đang có chiều hướng suy giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm, năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động ở mức thấp; hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội không cao.
Đừng sợ cạnh tranh
Thực tiễn đang đòi hòi phải có chính sách cạnh tranh quốc gia hiệu quả bởi nếu không có một môi trường kinh doanh cạnh tranh minh bạch khó có thể xây dựng được nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Cạnh tranh là động lực để giúp cho nền kinh tế ngày càng hiệu quả, năng động và phát triển tốt hơn. Cạnh tranh càng lớn thì càng thể hiện cấp độ phát triển của thị trường. Và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia.
Đề án đã nêu nhiều giải pháp, trước hết là phải đổi mới cách thức quản lý nhà nước theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân và DN hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Thứ hai là xác định đúng vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước và DN nhà nước trong nền kinh tế thị trường nhằm giảm thiểu sự tham gia của nhà nước trong các hoạt động kinh tế, cơ cấu lại độc quyền nhà nước, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Nhà nước sẽ rút lui một phần đáng kể khỏi nền kinh tế với tư cách là nhà sản xuất, nhà đầu tư trực tiếp chuyển sang vị thế là chủ thể điều tiết và hỗ trợ.
Thứ ba là hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, xác định rõ chức năng nhà nước và thị trường. Thứ tư là thiết lập và giám sát cơ chế đánh giá tác động cạnh tranh của các chính sách, pháp luật, đặc biệt cơ chế đánh giá, quản lý chất lượng các quy định về kinh doanh.
Ngoài ra, để cạnh tranh phải có thị trường; không thể có cạnh tranh nếu không có thị trường, hiệu quả phân bổ không thể đạt được nếu thị trường các nhân tố sản xuất không phát triển. Chính vì vậy, cần phát triển các loại thị trường, đặc biệt thị trường các nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường khoa học và công nghệ… Và việc phân bổ và sử dụng các loại nguồn lực xã hội, đặc biệt nguồn lực nhà nước phải theo quy tắc thị trường. Hay nói cách khác, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực, đảm bảo nguồn lực được phân bổ vào những nơi có hiệu quả cao nhất nhằm đạt được hiệu quả phân bổ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Phải ưu tiên chính sách cạnh tranh quốc gia như một trụ cột quan trọng trong hệ thống thể chế kinh tế thị trường, coi xây dựng và thi hành chính sách cạnh tranh là một nội dung ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Còn ông Cung thì nói: “Đừng ngại cạnh tranh, đừng lo lắng quá nhiều về cạnh tranh, chính sách phải làm cho nhiều sự cạnh tranh công bằng mới mới tạo ra động lực để tạo ra sự phát triển. Nếu không thúc đẩy cạnh tranh, đồng nghĩa với việc sẽ làm hao mòn tiềm năng tăng trưởng của đất nước”, TS. Cung nhấn mạnh.
Để một quốc gia thịnh vượng, duy trì và cải thiện mức sống và tạo cơ hội phát triển cho người dân, con đường duy nhất là phải liên tục cải thiện, nâng cao năng suất nhằm đạt được nền kinh tế năng động, sáng tạo, tăng trưởng cao, đúng tiềm năng, duy trì được động lực tăng trưởng. Theo đó, tất cả các tổ chức, DN thuộc mọi thành phần kinh tế/ hình thức sở hữu đều cần phải trở nên hiệu quả hơn, đổi mới sáng tạo hơn và linh hoạt hơn. Hiệu quả chỉ có thể đạt được khi có một môi trường cạnh tranh, các chủ thể thị trường phải được đặt dưới áp lực của cạnh tranh.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế thị trường kém cạnh tranh với thứ hạng 60/138 nước trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2016; vị trí 80/138 nước về mức độ cạnh tranh trong nước hay chỉ số hiệu quả chống độc quyền đứng thứ 89/138 nước.