Tăng trưởng không còn dựa vào đầu tư nhà nước
Thắng lợi kép của tăng trưởng | |
Có tăng trưởng nhanh và bền vững được không? | |
Năm 2017 tín dụng tăng 18,17%; dự kiến năm 2018 tín dụng tăng 17% |
Trái với những lo ngại xuyên suốt từ thời điểm kết thúc quý II, quý III/2017, giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đã không gây ngáng trở quá lớn tới tăng trưởng kinh tế năm vừa qua. Thậm chí con số tăng trưởng cuối cùng là 6,81% còn vượt kỳ vọng. Kết quả này cho thấy một điểm nhấn ấn tượng của bức tranh kinh tế, đó là khi đầu tư nhà nước giảm tốc, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đủ sức để kéo cả nền kinh tế đi lên.
Kinh tế tư nhân đã thay thế nhà nước thực hiện được nhiều chỉ tiêu quan trọng |
Nhà nước rút lui và những tín hiệu đáng mừng
Có nhiều bằng chứng cho thấy sự “rút lui” dần của nhà nước trong nền kinh tế năm vừa qua, thể hiện qua các con số của Tổng cục Thống kê. Đó là ngành khai khoáng, khu vực mà nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đã giảm 7,1%, là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây. Tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện năm 2017 chỉ bằng 94,4% kế hoạch năm, riêng chi đầu tư phát triển chỉ bằng 72,6% dự toán năm. Giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ tính đến hết tháng 7/2017 mới đạt 7% dự toán năm. Tính chung lại, vốn đầu tư khu vực nhà nước trong năm qua chỉ tăng 6,7% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 16,8% của khu vực ngoài nhà nước và 12,8% của khu vực FDI.
Nhận định về các con số này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các nguồn lực từ nhà nước, Chính phủ trong năm 2017 đã dành ra rất nhiều cho đầu tư phát triển, nhưng kết quả là vốn giải ngân chậm và không đạt được kế hoạch đề ra, trong khi đó tốc độ tăng trưởng vẫn vượt dự báo.
“Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến hơn 400 tỷ USD, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao nhất trong vài năm trở lại đây… điều này chắc chắn là nhờ các thành phần kinh tế khác gồm FDI, tư nhân trong nước đã giữ được vị trí chủ đạo và là động lực để nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra từ đầu năm”, ông Kiên quả quyết.
Thực tế cho thấy, sự co lại của nhà nước trong nền kinh tế là chủ trương đúng đắn và đã được thực hiện xuyên suốt trong vài năm trở lại đây. Kết quả thực hiện vốn đầu tư những năm qua cho thấy, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP giảm từ 38,4% giai đoạn 2007-2011 xuống 31,9% giai đoạn 2012-2017, chủ yếu do giảm tỷ lệ vốn từ nguồn đầu tư công, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch của nhà nước. Trong đó, riêng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư liên tục giảm qua các năm. Năm 2012 là 31,6%, sau đó giảm dần xuống 27,2% vào năm 2015 và tới năm 2017 là 23,4%.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý, ảnh hưởng của đầu tư công đến tăng trưởng kinh tế là không lớn. Nhận định này dựa vào kết quả nghiên cứu tác động của đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012-2017. Theo đó, nếu tỷ lệ vốn đầu tư công so với GDP tăng 1% thì GDP chỉ tăng khoảng 0,1%. Trong khi đó tăng 1% tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP từ khu vực DNNN làm tăng 0,37% GDP; từ khu vực DN ngoài nhà nước, hộ cá thể và hộ dân cư làm tăng 0,8%.
“Điều này cho thấy chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ trong thời gian vừa qua là đúng đắn, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước, giảm nợ công, tăng cường thu hút nguồn vốn từ các khu vực khác cho đầu tư phát triển. Nếu phát huy tốt hơn tiềm lực khu vực kinh tế tư nhân sẽ thúc đẩy mạnh hơn chất lượng tăng trưởng”, ông Lâm khuyến nghị.
Vẫn cần củng cố nền tảng kinh tế tư nhân
Khẳng định lại về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, với một nền kinh tế mà yếu tố vốn vẫn đang quyết định tới 70-80% tốc độ tăng trưởng, thì trong năm qua vốn tư nhân đã “bù đắp” tăng trưởng khi vốn nhà nước khó khăn.
Điều này thể hiện trực tiếp qua con số DN đăng ký thành lập mới trong năm vừa qua đã lên tới hơn 126.000 DN, với tổng vốn đăng ký là 1,29 triệu tỷ đồng, tăng 15,2% về số lượng và tăng 45,4% về số vốn so với năm 2016. “Khu vực kinh tế tư nhân đã tự mình khẳng định vai trò là rất quan trọng trong nền kinh tế khi thay thế nhà nước làm được nhiều việc”, ông Thiên nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng về sự vượt trội của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, TS. Trần Đình Thiên cho biết, điển hình như Sun Group làm sân bay ở Quảng Ninh trong vòng 18 tháng và tháng 6 sẽ khai trương đường bay, trong khi nếu nhà nước làm thì sẽ mất 15-20 năm. Ví dụ khác, như tại Phú Quốc hay TP. Hồ Chí Minh, hiện nay đóng góp của tư nhân mang tính quyết định.
Mặc dù vậy, nếu phân tách khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam ra thành 2 nhóm là FDI và tư nhân trong nước thì vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, nền tảng của khu vực tư nhân trong nước còn rất yếu, vì vậy tăng trưởng năm vừa qua có được chủ yếu là nhờ công của khối FDI.
Ông Thiên phân tích, thể trạng của khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu, hầu hết các DN chưa hồi phục lại được mức trước khủng hoảng. Mặc dù xét về số lượng, các DN trong nước tăng nhiều nhưng lại nhỏ bé và khó liên kết tạo thành lực lượng đủ sức đối trọng với khối FDI. Điều này thể hiện ở tỷ lệ DN có đóng thuế thu nhập DN trên tổng số DN hoạt động giảm mạnh, từ 60-70% năm 2010 xuống còn trên 30% năm 2015-2016. Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các DN tư nhân trong nước còn kém xa khối FDI và có xu hướng giảm. Năm 2010 tỷ lệ này của DN FDI và DN ngoài nhà nước tương ứng là 16% và 5% thì năm 2015 giảm xuống còn 12% và 4%. Trong khi đó, các DN thành lập mới trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ và tốc độ tăng rất chậm chạp so với các ngành khác, cho thấy nền tảng sản xuất công nghiệp vẫn hết sức lỏng lẻo.
Trước thực trạng như vậy, “DN trong nước có nền tảng quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế nhưng còn yếu và vẫn rất cần cải cách”, TS. Trần Đình Thiên lưu ý.