Năm 2017 tín dụng tăng 18,17%; dự kiến năm 2018 tín dụng tăng 17%
Kỳ vọng gì ở tăng trưởng tín dụng 2018 | |
Ngân hàng theo sát chuyển động của nền kinh tế | |
Tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với đảm bảo chất lượng và hiệu quả |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì Họp báo |
Năm 2017, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD giảm lãi suất cho vay và tăng cường khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (cao nhất trong 10 năm và cao hơn mục tiêu 6,7%). Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16 - 18% từ đầu năm.
Cơ quan điều hành cũng đã tập trung triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện lãi suất chịu áp lực gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nỗ lực điều hành CSTT đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức hợp lý, góp phần ổn định và giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Đặc biệt, từ ngày 10/7/2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra, hoạt động các TCTD diễn biến tích cực, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Kết quả, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm). Giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm.
NHNN cũng đặc biệt chú trọng việc mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Tính đến ngày 31/12/2017, tín dụng đã tăng 18,17%.
Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ tăng trưởng rất tích cực. Trong khi tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại.
Cụ thể, đến cuối tháng 11/2017, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 22%...
Bước sang năm 2018, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.
Tín dụng tiếp tục là trọng tâm trong điều hành của NHNN vì thực tế ở Việt Nam hiện nay, vốn cho đầu tư phát triển kinh doanh phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng hệ thống ngân hàng. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến khoảng 17%.
“Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN thực hiện một cách linh hoạt, theo dõi sát diễn biến để có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Trong điều hành tín dụng vẫn tiếp tục theo phương châm: mở rộng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Năm 2017, những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng bất động sản, tín dụng đầu tư chứng khoán... cũng được NHNN chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ. Điều này sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2018”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc cũng chia sẻ thêm, điều hành tín dụng của NHNN luôn gắn liền với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các ngành kinh tế. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới sẽ tiếp tục được NHNN phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để làm sao chính sách tín dụng hỗ trợ cho tái cơ cấu, phát triển kinh tế.
Đặc biệt tín dụng sẽ được điều hành dần tiến tới xu hướng hệ thống ngân hàng sẽ cung ứng ngày càng nhiều tín dụng ngắn hạn. Còn với tín dụng trung và dài hạn, trong quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, các phân khúc của thị trường tài chính, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành để phát triển phân đoạn của thị trường tài chính để các doanh nghiệp có thể huy động vốn trung, dài hạn từ thị trường trái phiếu công ty hay thông qua cổ phần hoá các doanh nghiệp...