Có tăng trưởng nhanh và bền vững được không?
Kỳ vọng gì ở tăng trưởng tín dụng 2018 | |
Không vội hứng khởi quá đà với tăng trưởng | |
Nỗ lực cao nhất thực hiện nhiệm vụ |
Năm 2017 đã mang lại thành tích ấn tượng với tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu, vượt cả mọi dự báo nhờ công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, du lịch và khu vực FDI bứt phá trong đó có phần quan trọng do Samsung mở rộng sản xuất, Formosa đi vào hoạt động. Nhưng những yếu tố này sẽ tiếp tục ở 2018 ra sao?
Ảnh minh họa |
Vậy mục tiêu tăng trưởng năm 2018 có khả thi và đâu là động lực cho tăng trưởng 2018? Vấn đề mô hình tăng trưởng của Việt Nam – liệu có ổn định và bền vững? Đây là những vấn đề đã bàn thảo nhiều, đã có rất nhiều hội thảo, diễn đàn đã tổ chức trước đây và cũng là những vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn lần này. Những thảo luận này sẽ cung cấp thêm chất liệu để Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện Đề án tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Vậy liệu Diễn đàn Kinh tế 2018 có gì khác biệt, có tránh được sự lặp lại, có tạo được tác động nào hay không? Đề án tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững có tạo nên sự khác biệt và mang lại tính khả thi cao và hiệu quả tác động chính sách hay không hay cũng chung chung như rất nhiều những đề án khác?
Để đáp ứng được kỳ vọng sẽ mang lại tác động chính sách hiệu quả, Ban tổ chức đã mời các chuyên gia tham luận tại Diễn đàn là những giáo sư, chuyên gia có uy tín và nổi tiếng như GS Trần Văn Thọ, GS.Kenichi Ohno, TS.Nguyễn Đình Cung, TS.Nguyễn Xuân Thành, GS.Nguyễn Quang Thuấn, TS.Vũ Thành Tự Anh, TS.Nguyễn Xuân Thành… ông John Kerry Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, ông Sebastian Eckardt (Chuyên gia kinh tế trưởng,Ngân hàng Thế giới Việt Nam), ông Jonathan Dunn (Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam), ông Kyle Kelhofer (Giám đốc Quốc gia IFC)…
Một vấn đề đang mong tìm được lời giải ở Diễn đàn, đó là Việt Nam vẫn cần phải tăng trưởng nhanh nhưng trong trung hạn liệu Việt Nam có tăng trưởng nhanh được không và cách nào để tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững không bị đánh đổi với ổn định vĩ mô? Trên thế giới đã có nhiều bài học đắt giá và Thổ Nhĩ Kỳ là một điển hình.
Thổ Nhĩ Kỳ là một bài học khi trong những năm 1990 quốc gia này theo đuổi chính sách ưu tiên tăng trưởng thông qua mở rộng chính sách tài khoá và tiền tệ. Mặc dù giai đoạn đầu đạt được tăng trưởng kinh tế cao nhưng mặt khác bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng gia tăng và hệ quả là đến năm 2000, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào khủng hoảng. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải thực hiện một loạt chính sách thắt chặt và chấp nhận một số năm tăng trưởng thấp nhưng sau đó kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã dần hồi phục, nền tảng vĩ mô trở lại ổn định và trở thành thành viên của G20.
Bài học của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy quan trọng nhất là ổn định vĩ mô. Nhưng Việt Nam sẽ hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững cách nào, có cần chấp nhận tăng trưởng thấp lúc đầu để tạo đà cho tăng trưởng ở giai đoạn sau hay không?
Kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được vị Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam vốn là Trưởng đại diện UNDP tại Thổ Nhĩ Kỳ và Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam nguyên là chuyên gia NHTW Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ tại Diễn đàn.
Bên cạnh đó, xác định kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ cũng có nhiều chính sách và giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân, nhưng kinh tế tư nhân vẫn còn bé nhỏ, rời rạc, thiếu liên kết, chưa kết nối được với FDI.
Năng suất là yếu tố quyết định tăng trưởng của Việt Nam thời gian tới nhưng năng suất của Việt Nam đang thấp. Chính phủ đã có chiến lược tăng trưởng, đã quyết tâm tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đã xác định năng suất là chìa khóa tăng trưởng... nhưng kết quả chưa như kỳ vọng.
Chính phủ đã có 5 Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế - xã hội, tuy sau mỗi năm Nghị quyết 01 đều đạt được kết quả nhất định nhưng không được như mong đợi…
Và nhìn lại 5 Nghị quyết 01 có thể thấy không có sự khác biệt mấy vì vẫn là những định hướng và giải pháp như nhau, vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược... Đây là những hệ giải pháp đúng nhưng không mang lại kết quả rõ ràng, thiếu tính định lượng.
Tất cả những vấn đề này sẽ được thảo luận tại Diễn đàn để cùng tìm ra những giải pháp và cách thức thực hiện rất cụ thể. Diễn đàn được tổ chức là thể hiện Đảng không chỉ đề ra chủ trương, định hướng, Đảng không chỉ ra Nghị quyết mà sẽ đồng hành cùng Chính phủ trong điều hành, và cả tổ chức thực hiện đưa chủ trương, Nghị quyết và chính sách vào cuộc sống mang lại sự phát triển bền vững cho đất nước.