Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh bền vững | |
Nỗ lực tìm nguồn để “xanh hóa” nền kinh tế |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo |
Tham dự hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; đại diện các vụ, cục và đơn vị của NHNN; đại diện chi nhánh NHNN một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo một số đơn vị của các bộ, ngành; đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ); đại diện một số trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; và đại diện các tổ chức tín dụng.
Ngành Ngân hàng đã tích cực vào cuộc
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi mô hình phát triển như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020...
Theo đó, Chính phủ giao NHNN chủ trì thực hiện hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh. Cụ thể là rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Để thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về việc thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020".
Phó Thống đốc nhận định, đây được coi là những bước đi đầu tiên trong định hướng hoạt động ngân hàng hướng tới mục tiêu Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đặc biệt, ngày 7/8/2018, Thống đốc đã ký Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ngay sau khi có những văn bản chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các tổ chức tín dụng đã ngay lập tức vào cuộc, xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình. Một số ngân hàng thương mại cũng chủ động tham gia các dự án có tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh. Nhờ sự triển khai tích cực đó, tín dụng xanh đã có nhiều cải thiện rõ rệt.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết tính đến cuối tháng 6/2019, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,36% so với cuối năm 2018; trong đó tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,34% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2018.
Các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực tham gia, triển khai chủ trương của NHNN về tín dụng xanh. Đại diện VietinBank cho biết: "Ngân hàng đã chủ động bố trí các nguồn vốn để cấp tín dụng cho các dự án xanh. Cụ thể, tính đến hết quý III/2019, VietinBank đã ký kết trên 600 nghìn hợp đồng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ là hơn 16 nghìn tỷ đồng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào tài trợ cho năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và quản lý nước sạch".
Toàn cảnh hội thảo |
Vẫn còn nhiều thách thức
Tham gia thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu vào bàn bạc những thách thức đối với việc phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam, cũng như đề ra những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của tín dụng xanh.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, thách thức đối với các NHTM khi thực hiện chính sách tín dụng xanh là: Các quy định về pháp luật còn dàn trải; Các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; Các dự án đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giảm thiểu rủi ro liên quan đến môi trường xã hội thường làm phát sinh chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, nhiều ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh là các ngành nghề mới ở Việt Nam như điện mặt trời, điện gió, điện rác…
Chia sẻ về công cụ tài chính để phát triển tín dụng xanh, PGS-TS. Mai Thanh Quế cho rằng, hệ thống công cụ mềm để thúc đẩy các dự án xanh đang gặp nhiều khó khăn, cụ thể là về vấn đề hỗ trợ kĩ thuật, thẩm định các dự án... Một ngân hàng thấy dự án khó thẩm định có thể thôi để đi tìm dự án khác. Việc đánh giá mức độ rủi ro cũng trở nên nan giải. Các ngân hàng, tổ chức tài chính rất khó để đánh giá mức độ rủi ro. Chính vì thế, các ngân hàng chỉ sẵn sàng cho vay khi họ có kinh nghiệm cao trong các dự án đó. Điều này không khó giải thích, đó là xuất phát từ mục đích quản trị rủi ro của ngân hàng.
Từ những khó khăn đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Cần tiếp tục hoàn thiện tiêu chí pháp lý, kế hoạch triển khai hành động để phát triển xanh và phân loại tín dụng xanh và hiệu quả kinh tế xanh đối với tín dụng ngân hàng. Đồng thời, hoàn thiện cuốn sổ tay đánh giá rủi ro các dự án tín dụng xanh. Thứ hai, là nên có những hỗ trợ cần thiết như hỗ trợ về giảm dự trữ bắt buộc, để dự trữ bắt buộc đối với tín dụng xanh giảm thấp nhất có thể. Thứ ba, là tăng tổng dư nợ cho các ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh nhiều. Cùng với đó, tiếp tục giảm và có những ưu đãi về lãi suất tăng cấp vốn. Thứ tư, là phân nhóm nợ, vì tăng trưởng tín dụng xanh rủi ro nhiều, nên có điều chỉnh để khuyến khích ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng xanh như một trong sáu lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng đang được quy định".
Ông Phong cho rằng, một số lĩnh vực cần ưu tiên trong thời gian tới đó là công nghệ cao, nông nghiệp, tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, tập trung cho vay theo chuỗi liên kết, đặc biệt là các chuỗi có nhãn hiệu xanh. Đây là một hình thức nhận diện và cho vay tín dụng xanh, tập trung cho vay làng nghề, du lịch xanh, kể cả bất động sản với các dự án chuyên xanh, năng lượng sạch, vật liệu thay thế mới…
Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng tiêu chí về tín dụng xanh. Chuyên gia này cũng cho rằng NHNN nên đưa tín dụng xanh vào danh mục các ngành nghề ưu đãi cấp tín dụng.