Tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển
Kinh tế tư nhân vẫn đang bị “cớm nắng” | |
Tăng trưởng không còn dựa vào đầu tư nhà nước | |
Vốn hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân |
Nhìn lại bức tranh nền kinh tế hiện tại và chân dung các thành phần kinh tế sau 30 năm đổi mới đi theo định hướng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế nhiều thành phần, PGS.TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng “Nền kinh tế này hình như là một nền kinh tế không thể lớn được”.
Các thành phần kinh tế đang phát triển không như kỳ vọng |
Tụt hậu phát triển là nguy cơ lớn nhất
“Vấn đề của chúng ta là vượt qua nước đi trước chứ không phải bỏ xa nước đi sau, nhưng khoảng cách với nước đi trước ngày càng xa, tụt hậu xa hơn đang là một thực tế”, Viện trưởng Thiên nói. Chỉ trong khoảng thời gian 30 năm thôi mà thu nhập của Hàn Quốc từ 100 USD/người lên hơn 10.000 USD và bây giờ là 35.000 USD, ta đi sau họ 30 năm và sau 30 năm ta từ 200 USD lên 2.385 USD/người.
Bức tranh các thành phần kinh tế của Việt Nam đang cho thấy “tụt hậu phát triển là nguy cơ lớn nhất”, các thành phần kinh tế đang phát triển không như kỳ vọng, vẫn bị khuyết và thiên lệch. Nhìn theo tỷ trọng trong GDP thì thấy lực lượng sản xuất lớn nhất của nền kinh tế chiếm tới 31,6% GDP chính là khu vực hộ gia đình, mà hộ gia đình thì manh mún nhỏ lẻ. 17,6% GDP là DN FDI thì cũng phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ. Kinh tế tập thể vẫn không phát triển, chỉ bằng 3,7% GDP.
Lực lượng chủ đạo của nền kinh tế với tỷ trọng tới 27,8% GDP là DNNN nhưng còn rất nhiều chuyện. DNNN có lực lớn mà không mạnh, hiệu quả hoạt động kém và ngày càng suy yếu. DNNN là tác nhân gây ra gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế, cho ngân sách, gây méo mó cơ chế, hay phạm luật, dễ thất thoát, lãng phí, dính tham nhũng, hối lộ nhiều.
Còn khu vực kinh tế tư nhân, động lực tăng trưởng quan trọng thì mới chỉ bằng 7,8% GDP. Tuy chúng ta đã có “Vietjet là một niềm tự hào của Việt Nam và là hình mẫu của phát triển bao trùm làm cho hầu hết mọi người dân Việt Nam có quyền bay trên bầu trời. Vingroup là một niềm tự hào khi tạo ra hàng trăm nghìn gia đình có nơi ở đẳng cấp. Hòa Phát sản xuất thép xóa bỏ thời kỳ chỉ đào quặng lên bán. Hay Trường Hải là lá cờ đầu sản xuất ô tô… Nhưng vẫn mới chỉ là bánh tẻ”, ông Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) phát biểu.
Kinh tế tư nhân tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng đông mà yếu, đến nay chỉ một số doanh nghiệp tư nhân lớn đang dần vươn lên thành những công ty tầm cỡ, có sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế nhưng vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Đại đa số DN tư nhân là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Chỉ 14% DN Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo, 11% DN tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu, 6% DN tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các DN FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các DN nội địa thấp nhất trong ASEAN…
Gần đây khu vực tư nhân đang thể hiện xu hướng đầu cơ kiếm lời mạnh hơn động cơ làm giàu bằng tinh thần chinh phục, lao vào cạnh tranh để phát triển, và dù thành lập nhiều nhưng đóng cũng cửa lắm, vẫn khó lớn, không lớn được, chưa kể một số không muốn lớn. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thực sự kinh tế tư nhân không được hưởng nhiều, không được Nhà nước yểm trợ, vẫn bị lấn át, vẫn chưa có được sự bình đẳng thực sự.
Và con đường đi tới kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được chọn. Nhưng sau 30 năm, đến nay vấn đề phát triển chưa giải quyết được, những khó khăn trong tăng trưởng và sự phát triển thiên lệch, khiếm khuyết của các thành phần kinh tế là “tích lũy từ sự ngập ngừng và thiếu triệt để trong việc thực thi đường lối đổi mới”, theo GS.TS.Phí Mạnh (Đại học Quốc gia Hà Nội).
“Với các thành phần kinh tế phát triển thế này đất nước làm sao phát triển được. Bài ca các thành phần kinh tế phải khác đi”, Viện trưởng Thiên nói. Là lực lượng lót đường cho đổi mới, tiên phong trong phát triển thị trường, đóng góp lớn cho đất nước cho nền kinh tế nhưng mãi sau 30 năm đến năm 2017 kinh tế tư nhân mới được xác định là “động lực quan trọng”.
Tuy có những chuyển biến căn bản trong nhận thức về khu vực kinh tế tư nhân song vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng vẫn chưa được làm rõ ở mức cần thiết để có thể triển khai trong thực tiễn như: đặc điểm và vai trò cụ thể của khu vực kinh tế tư nhân, quan hệ giữa khu vực kinh tế nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương thì nói rằng: “Chúng ta thích thị trường nhưng lại sợ thị trường. Cần phải thị trường hơn. Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài”.
Kinh tế tư nhân là khu vực tạo ra tăng trưởng rất nhanh, bền vững nhất cho Việt Nam nhưng đang vấp phải nhiều rào cản. Khu vực này cần được đánh giá đúng, xác định đúng vai trò vị trí với định hướng phát triển kinh tế thị trường. Phải tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, để các tập đoàn kinh tế tư nhân đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn và những doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành những doanh nghiệp lớn hơn. |
Doanh nghiệp đang nhỏ đi
“Dù số lượng DN thành lập mới gia tăng, nhưng khu DN tư nhân lại đang nhỏ đi. Hội chứng thiếu vắng các DN cỡ vừa đã không được khắc phục”, TS. Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI) trăn trở. Tuy đã có nhiều những đại gia, tỷ phú và một vài tập đoàn lớn nhưng các DN tư nhân lớn chưa vươn xa ra thị trường thế giới và khu vực.
Theo điều tra của VCCI, DN tư nhân đang giảm đi theo thời gian cả về quy mô vốn và lao động. DN khu vực FDI cũng đang giảm đi về quy mô vốn, số lượng lao động và khả năng sinh lời. Tỷ lệ DN báo lãi giảm xuống còn 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua, 37,9% DN báo lỗ - cũng là một con số kỷ lục mới. Năm 2014 vốn đăng ký bình quân khu vực FDI là 10,3 triệu USD thì đến quý I/2018 chỉ còn 3,5 triệu USD, quy mô vốn đăng ký đang ngày càng giảm, chỉ còn 30% so với 4 năm trước.
Nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhận định, DN tư nhân trong nước chiếm đại đa số trong tổng số DN cả nước nhưng quy mô của DN tư nhân trong nước phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ lại đang nhỏ đi. Tỷ lệ DN có đóng thuế TNDN trên tổng số DN hoạt động giảm mạnh: từ 60-70% năm 2010 giảm xuống còn trên 30% năm 2015-2016. Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các DN có xu hướng giảm đối với tất cả các thành phần: năm 2010 tỷ lệ này của DN FDI, DNNN và DN ngoài nhà nước tương ứng là 16%, 7% và 5% thì năm 2015 giảm xuống còn 12%, 3% và 4%. Số lượng FDI tăng mạnh nhưng phần lớn là đến từ khu vực Đông Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. Liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước yếu.
DN đang nhỏ đi do thủ tục hành chính trói buộc sự phát triển DN. Chi phí sản xuất cao (như thuế, chi phí logistics, lãi suất). Theo báo cáo của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP (trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%). Chi phí này cao so với các nền kinh tế phát triển. Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%... Bất bình đẳng giữa các loại hình DN không hề giảm. Môi trường đầu tư còn nhiều rào cản, chất lượng thể chế còn nhiều hạn chế… điều kiện kinh doanh nhiều đến mức nhiều cơ quan nhà nước không thống kê nổi số lượng hiện nay.
Theo điều tra PCI 2017, tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho DN chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu... 28% số DN vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức. DN cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều DN… Vẫn có trên 59% DN cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước,
Ông Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: DN đang nhỏ đi bởi thể chế không tạo ra những cam kết tin cậy để tưởng thưởng xứng đáng cho nỗ lực đầu tư. DN vẫn khó cạnh tranh và không thể liên kết cũng vì thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Cốt lõi của kinh tế thị trường là giá cả nhưng những loại giá cơ bản là giá đất, giá vốn, giá năng lượng… lại không theo thị trường. Môi trường không công khai minh bạch, hệ thống khuyến khích cho DN tư nhân cũng chưa được thiết kế đúng. Các cơ chế, chính sách của nhà nước chưa thực sự giải quyết được các khó khăn mà các DN tư nhân đang gặp phải.
Thiếu vắng các DN có quy mô vừa khiến cho Việt Nam không thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vai trò của các cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh rất hạn chế. Đồng thời, có rất ít mối liên kết giữa DN nhỏ với DN có quy mô lớn hơn. Các DN nhỏ Việt Nam chưa tạo được độ tin cậy cao với các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân trong nước lại chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ phía các DN nước ngoài trong bối cảnh hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ.
Để kinh tế tư nhân phát huy được hết tiềm năng, thực sự đóng vai trò là “động lực quan trọng của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Hồng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, và cần thiết lập nền tảng cơ bản cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển là ổn định kinh tế vĩ mô, xóa bỏ rào cản và tạo lập thị trường.