Nông nghiệp sẽ khởi sắc với các thiết bị 4.0
Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao | |
Nông nghiệp công nghệ cao thu hút đầu tư | |
Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Quế Võ |
Các buổi thử nghiệm thiết bị bay phun thuốc tại một số tỉnh ĐBSCL được người dân hưởng ứng và tìm hiểu một cách nghiêm túc. Ông Huỳnh Thanh Thấm, Giám đốc Hợp tác xã Đức Huệ, xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười) cho biết, có thời điểm hợp tác xã triển khai sản xuất với quy mô 500ha, cần đến 200 lao động nhưng nguồn nhân công lao động rất khan hiếm. Nếu ứng dụng thiết bị này thành công thì chỉ cần khoảng 6 người, vừa tiết giảm chi phí, vừa mang lại hiệu quả trong sản xuất. "Sau khi xem buổi trình diễn, hợp tác xã sẽ bàn bạc để đầu tư đưa vào sử dụng thiết bị này, thậm chí có thể mở dịch vụ cho những bà con có nhu cầu thuê, ước tính chi phí dịch vụ vào khoảng 200.000 đồng/ha/lần phun", ông Thấm chia sẻ.
“Máy bay” phun thuốc trừ sâu và phân bón |
Lần đầu tiếp cận với thiết bị bay phun thuốc, ông Đặng Văn Siêu, ấp 7, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết, việc áp dụng thiết bị này vào sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết và rất hữu ích vì công lao động phục vụ nông nghiệp hiện nay rất khan hiếm.
Chính vì thế, ông Siêu đặt mua một thiết bị bay phun thuốc hoạt động bằng pin, có thể nâng được tải trọng lớn kèm theo vòi phun áp lực cao nên dễ dàng phun thuốc ở những nơi địa hình phức tạp như đồi núi dốc hoặc các loại cây trồng có tán cao. Nhà cung cấp thiết bị khẳng định, thiết bị tiết giảm được 40% lượng thuốc sử dụng, giảm nhân công lao động, hạn chế tối đa sự tiếp xúc của thuốc vào con người, đảm bảo sức khỏe, giảm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Mặt khác, thiết bị có khả năng nhớ lịch sử hành trình làm việc, kết nối với bảng cầm tay điều khiển từ xa, có khả năng điều chỉnh lưu lượng phun, xác lập địa điểm, diện tích cần phun với độ chính xác cao.
Tại Hội chợ quốc tế máy móc thiết bị công nghệ vật tư nông nghiệp Việt Nam (Agritech Viet Nam 2019) được tổ chức mới đây tại TP. HCM, nhiều DN nông nghiệp đã tìm đến cửa hàng trưng bày của AGRAS - đại lý được ủy quyền của DJI - hãng sản xuất “máy bay nông nghiệp” không người lái lớn nhất thế giới khi đơn vị này mang đến hội chợ thiết bị máy bay nông nghiệp MG 1P. Công nghệ này còn khá mới ở Việt Nam, "máy bay" này có tốc độ phun thuốc bảo vệ thực vật nhanh, chỉ mất 10-15 phút/hecta trong khi nếu để người phun thì mất một ngày; bên cạnh đó, máy phun thuốc rất chính xác.
Để DN nông nghiệp và nông dân có thể tiếp cận tốt hơn với công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM cũng đã tổ chức hội nghị hợp tác và đầu tư trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản với sự tham gia của 12 DN Nhật Bản, 30 DN Việt Nam và nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Theo đó, các cơ hội tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến nông sản, xử lý và tái chế phụ phẩm; ứng dụng IoT, AI trong nông nghiệp; đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao… là những vấn đề mà TP.HCM và Nhật Bản rất quan tâm và sẽ hiện thực hóa trong thời gian tới.
Ông Từ Minh Thiện - Phó trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM cho biết, Nhật Bản được xem là quốc gia hàng đầu về ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở một số lĩnh vực quan trọng như tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, giống cây trồng vật nuôi… Thời gian qua, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và các DN Nhật Bản đã hợp tác thực hiện một số dự án như đào tạo nghề nông công nghệ cao theo tiêu chuẩn Nhật Bản và cung ứng nguồn nhân lực cho Nhật; nghiên cứu và sản xuất các giống hoa, rau… Hiện nay, hai bên đã có thể hợp tác trong một số lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo quản xử lý sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp…
Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và CMCN 4.0. Khẳng định điều này, ông Nguyễn Chí Thiện - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An nhấn mạnh, việc đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại như máy canh tác 3 trong 1 (sạ giống, phun thuốc và rải phân) và thiết bị bay phun thuốc không người lái góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, cũng như nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt hơn 40 tỷ USD - cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nông sản Việt xuất khẩu sang hơn 180 quốc gia vùng lãnh thổ. Nhiều nông sản Việt Nam đã mở rộng sang các thị trường mới như thịt gà, trứng vào Singapore; thịt heo sữa, gạo vào Trung Quốc… Cùng với đó, nhiều nông sản lần đầu tiên được “cấp visa” xuất khẩu như thịt heo vào Myanmar, chôm chôm vào NewZealand… Năm 2019, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết như CPTPP, EVFTA sẽ tạo cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt, góp phần vào mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD.
“Để đạt mục tiêu này, ngoài việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, nông dân phải chú trọng vào việc đảm bảo quy chuẩn trong quá trình sản xuất bằng cách tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất”, ông Đông nói.