Tàu “Sáu bảy” cần thêm giải pháp
Ảnh minh họa |
Theo tổng hợp từ các tỉnh, thành phố ven biển, đến cuối tháng 3/2015 có 19/28 địa phương phê duyệt được danh sách 623 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, trong đó có 567 tàu đóng mới và 73 tàu nâng cấp. Các NHTM đang tích cực tiếp nhận hồ sơ của chủ tàu.
Tính đến nay, các TCTD đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp 13 tàu ở các tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bến Tre với tổng số tiền là 148,83 tỷ đồng.
Các hợp đồng vay vốn nói trên có thời hạn 11 năm, tài sản bảo đảm chính là con tàu đóng mới được hình thành từ vốn vay. Theo các chủ tàu, mức cho vay từ 70% - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới con tàu đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu vươn khơi bám biển của ngư dân.
Bên cạnh đó, các NHTM cũng tích cực, chủ động cho vay vốn lưu động phục vụ nhu cầu vốn khai thác hải sản xa bờ, trong bối cảnh UBND các tỉnh, thành phố chưa phê duyệt danh sách ngư dân được vay vốn lưu động theo quy định tại Nghị định 67.
Tuy nhiên, theo các NHTM, trong quá trình triển khai cho vay theo Nghị định 67 đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Ngoài nguyên nhân chủ quan như việc phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu của các địa phương còn chậm thì việc thiếu các cơ sở đóng tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới cũng làm giảm tốc độ giải ngân và thực hiện chủ trương này.
Trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển thì hiện chỉ khoảng 4 - 5 địa phương có cơ sở đóng tàu vỏ thép. Trong đó, một số cơ sở không đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Bộ NN&PTNT, hoặc ở xa nơi bà con ngư dân có nhu cầu đóng tàu, gây khó khăn, tốn kém và mất thời gian cho bà con trong quá trình tìm hiểu, kiểm soát quá trình đóng tàu và lai dắt tàu về địa phương để đưa vào khai thác. Đây cũng là một nguyên nhân khiến ngư dân chưa mặn mà với việc đóng tàu vỏ thép.
“Một khó khăn nữa là những chủ tàu đã được địa phương phê duyệt danh sách nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc lựa chọn cơ sở đóng tàu hoặc chưa thể ký kết hợp đồng đóng tàu với cơ sở đóng tàu làm cơ sở xây dựng phương án vay vốn tại ngân hàng”, Phó tổng giám đốc một NHTM chia sẻ.
Vị này phân tích, hiện Bộ NN&PTNT đã công bố 21 mẫu thiết kế tàu vỏ thép cho ngư dân tham khảo, chưa công bố thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương thì 21 mẫu tàu vỏ thép của Bộ NN&PTNT công bố cũng chưa phù hợp với ngành nghề khai thác của từng địa phương.
Trường hợp chủ tàu đóng tàu vỏ thép theo mẫu thiết kế đã được phê duyệt nhưng muốn điều chỉnh thiết kế so với mẫu thì phải tự bỏ chi phí chỉnh sửa và phải được sự phê duyệt của Bộ NN&PTNT, gây phức tạp, mất thời gian thêm cho chủ tàu. Mặc dù Bộ NN&PTNT đã đưa ra giá đóng tàu vỏ thép nhưng thực tế tại các địa phương có ít cơ sở đóng tàu vỏ thép nên bà con ngư dân không có thông tin tham khảo giá để ký hợp đồng đóng tàu.
Một vấn đề nữa là nhiều ngư dân có nhu cầu sử dụng máy cũ khi đóng mới tàu để tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, Nghị định 67 quy định tàu nâng cấp phải sử dụng máy mới 100% nhưng chưa có quy định bắt buộc phải sử dụng máy mới 100% đối với đóng mới tàu, nên nhiều ngư dân đã được phê duyệt đóng tàu còn lãng ra chưa đóng để trông chờ Bộ NN&PTNT cho sử dụng máy cũ.
Cũng do có thói quen sử dụng tàu vỏ gỗ với giá thành thấp nên một bộ phận lớn ngư dân chỉ thích đóng tàu vỏ gỗ hơn vỏ thép. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 67 thì đóng tàu gỗ phải có vốn tự có tối thiểu 30%, do vậy một số chủ tàu đã được UBND tỉnh, thành phố duyệt đóng tàu khai thác hải sản xa bờ gặp khó khăn về vốn đối ứng.
Với những vướng mắc nêu trên, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần xem xét, nghiên cứu để có thể đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp chương trình cho vay đóng tàu được hiệu quả.