Thách thức với ngành bán lẻ
Ngành Bán lẻ và Dệt may có nhu cầu tuyển dụng cao | |
Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử | |
Chiến lược nào cho ngành bán lẻ |
Bên cạnh khoảng 8.660 chợ, trên 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình… thì hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn ít với chỉ trên dưới 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại. Hiện nay, hệ thống này mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, “trật tự” đó có thể thay đổi rất nhanh.
Theo TS. Nguyễn Thị Nhiễu (Viện Nghiên cứu thương mại), thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh thời gian qua. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam không ngừng tăng qua các năm từ 2010 đến nay. Trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, với việc Việt Nam đã tham gia trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tiếp tục ký kết và thực hiện nhiều FTA thế hệ mới, trong đó có những hiệp định tiêu chuẩn cao như EVFTA, TPP... cơ hội mở rộng thị trường là rất lớn.
Ảnh minh họa |
Các chuyên gia dự báo từ nay đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên, đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng. Đây là cơ hội lớn cho các DN nếu nắm bắt được. Nhưng chính vì thế, thách thức cũng đang được đặt ra bởi các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh không cân sức với các DN nước ngoài đang gấp rút đầu tư vào Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, tính đến năm 2015, khối ngoại chiếm khoảng 51% thị phần bán lẻ hiện đại, phần còn lại chia cho khối nội.
Đây thực sự là một cuộc cạnh tranh không cân sức. “Nhà bán lẻ ngoại có sức mạnh toàn cầu trong liên kết nguồn hàng, thu mua... Kinh nghiệm đó cũng tạo ra khối logistics và chuỗi cung ứng rất mạnh cho họ”, ông Nguyễn Thành Nhân nói. Trong khi đó, các phân tích cũng chỉ ra sự yếu kém của các nhà bán lẻ Việt Nam là năng lực tài chính còn hạn chế, cùng những khó khăn về nguồn nhân lực, thu xếp mặt bằng, trung tâm logistics, chi phí quảng bá...
Tuy nhiên, “Nhà bán lẻ nội cũng có những điểm mạnh. Mình là người Việt thì chắc chắn rằng mình sẽ hiểu người Việt hơn và am hiểu thị trường Việt Nam hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu có sự liên kết chặt chẽ và vai trò của hiệp hội ngày càng mạnh lên thì sẽ tạo ra động lực cho các nhà bán lẻ trong nước phát triển và cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài”, ông Nguyễn Thành Nhân nói.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và tồn tại trong môi trường cam go ấy, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, trước tiên phụ thuộc vào chính nhận thức và nỗ lực của DN trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Các chuyên gia khuyến nghị, DN bán lẻ cần nhanh chóng tăng cường quản trị chiến lược DN, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại…
Đồng thời, TS. Nguyễn Thị Nhiễu bổ sung, trong quá trình mở cửa thị trường bán lẻ, Nhà nước cần có chính sách phù hợp bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ, bảo vệ hàng hóa và thị trường trong nước trước các nhà đầu tư nước ngoài; Có các biện pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp và tạo thuận lợi cho tập trung kinh tế trong nước, hình thành các tập đoàn bán lẻ quốc gia để có đủ sức cạnh tranh thắng lợi ở thị trường trong nước và vươn tầm ra thị trường quốc tế.
Các hiệp hội ngành nghề và các hiệp hội liên quan trực tiếp tới bán lẻ như: Hiệp hội bán lẻ, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… cần kiện toàn bộ máy tổ chức, mô hình hoạt động, nhanh chóng chuyển hẳn sang hoạt động của tổ chức xã hội dân sự; chủ động, sáng tạo trong hoạt động của hiệp hội, nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng phát triển mới của thị trường bán lẻ trong nước và quốc tế để thực hiện tốt chức năng hỗ trợ phát triển và bảo vệ lợi ích thành viên; thực hiện tốt vai trò đại diện của hiệp hội, thực sự là đại diện cộng đồng DN, ngành hàng, hội viên, có tiếng nói với Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành, nghề.