Thành công của một mô hình du lịch bền vững
Định hướng nhân lực cho ngành du lịch | |
BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc phát triển tốt nhất trong năm 2017 |
Chúng tôi đến Phong Nha - Kẻ Bàng một ngày chớm đông. Dù đang ở mùa vắng khách nhất trong năm nhưng ngay tại khu vực nhà chờ và bến thuyền Phong Nha - Kẻ Bàng, vẫn tấp nập “khách Tây”.
Và chúng tôi cũng khá ngạc nhiên trước những cuộc hội thoại mua bán giữa người bán hàng và “khách Tây” họ gật, họ trao đổi bằng tiếng Anh khi mua hàng và trao cho nhau những ánh mắt và nụ cười thân thiện. Có lẽ vì thế trong những năm trở lại đây, khu du lịch này là điểm đến ưa thích của nhiều du khách cả trong và ngoài nước với số lượng khách đạt sát mức 1 triệu lượt/năm.
Du khách xuống thuyền chuẩn bị vào thăm các hang động |
Tiếng Anh “đủ dùng”
Bắt chuyện với cô Hoàng Thị Đông, chủ cửa hàng số 2 Bến thuyền được biết, cô thuê mở cửa hàng tại đây đã lâu rồi nhưng trước đây, cho dù số lượt khách nước ngoài vào cửa hàng rất nhiều nhưng “vì tiếng Anh mù tịt, nên khách có hỏi cũng không biết giới thiệu hàng thế nào, khách có nói gì cũng chịu”, nên chỉ bán được hàng cho khách trong nước.
“Hồi đó, cách duy nhất để hai bên hiểu nhau là khi khách chỉ vào một mặt hàng nào đó, tôi sẽ viết số tiền phải trả ra giấy hoặc đưa ra số tiền bằng giá của sản phẩm ấy để họ mua” - cô Đông kể.
Thế rồi nhờ qua một khóa đào tạo tiếng Anh 3 tháng năm 2010 đã giúp cô trong những năm qua tự tin trong giao tiếp và bán hàng cho khách. Đến bây giờ tuy vẫn còn nhiều vấp váp nhưng vốn tiếng Anh đã khá đủ để cô giới thiệu, chào hàng và thảo luận giá với khách. Vốn “tiếng Anh bồi”, như cô tự nhận, cũng đủ giúp cô có những câu đùa vui tạo thân thiện với khách.
Hầu hết những người dân địa phương đã bám trụ với du lịch nơi đây trong những năm qua cũng có được may mắn như cô Đông khi được tham gia các khóa tiếng Anh như vậy. Và không chỉ những chủ cửa hàng mà cả các chủ tàu, thợ ảnh… phục vụ khách giờ đây đều có thể đón chào, hướng dẫn khách bằng những câu tiếng Anh đơn giản.
Bên cạnh tiếng Anh để giao tiếp, các ngành nghề khác để phục vụ cho lượng khách du lịch ngày càng tăng cũng được quan tâm. Hiện có trên 300 “nhiếp ảnh nông dân” đã được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề và hàng trăm chủ thuyền, thuyền viên cũng đã trải qua các lớp tập huấn về công tác an toàn, cứu hộ, cứu nạn để vận chuyển khách ở đây.
Ông Hoàng Văn Thanh, nguyên đội trưởng đội thuyền ở đây cho biết, trước đây đội thuyền chỉ có khoảng 30 chiếc, phục vụ khách tự phát và không có kinh nghiệm về cứu hộ, cứu nạn. Hiện nay, đội thuyền đã lên tới gần 400 chiếc, với gần 800 thuyền viên phục vụ và tất cả đều đảm bảo trang bị đầy đủ áo phao, đăng ký đăng kiểm và được tập huấn các kỹ năng đảm bảo an toàn.
Mỗi thuyền khi đưa khách vào thăm động cũng sẽ được biên chế một “nhiếp ảnh nông dân” là thuyền viên thứ 3 để hỗ trợ và sẵn sàng phục vụ nếu khách có nhu cầu. Một điểm đáng chú ý và cũng có thể coi là nét đẹp trong mắt du khách về văn hóa du lịch nơi đây là không có cảnh chèo kéo, cạnh tranh khách. Lý do vì đội thuyền, thợ ảnh đều được đánh số thứ tự và tuần tự phục vụ để đảm bảo công bằng.
Thành công lớn từ những chuyển đổi nhỏ
Nhiều người dân mà chúng tôi có dịp gặp cho biết, trước đây cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và “đi rừng” (vào rừng săn bắt thú hoặc khai thác gỗ quý hiếm) thì nay nhờ du lịch, mọi người đã có một cuộc sống ổn định và thu nhập gia tăng.
Chị Hoàng Thị Dần, một thợ ảnh ở đây cho biết, đội thợ ảnh ở đây chủ yếu là nữ, nhờ có chút tiếng Anh, bên cạnh các công việc thường xuyên là làm nông nghiệp và nội trợ vẫn đảm bảo được thì thu nhập tăng thêm từ chụp ảnh vẫn là nguồn thu nhập quan trọng giúp cải thiện đời sống gia đình.
Và trong số những khuôn mặt vẫn đậm chất nông dân chất phác nhưng nồng hậu và cởi mở kia, đã có những người vươn lên tích lũy để khá giả hơn. Đơn cử, nhiều chủ thuyền bên cạnh việc làm nông, làm du lịch - đủ để chi phí cho sinh hoạt cuộc sống hàng ngày - còn sở hữu những lồng cá trên sông mà cứ sau mỗi 2,3 năm và nếu may mắn được “trời thương” sẽ mang về cho họ một món tiền kha khá.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Phong Nha - Kẻ Bàng những phong cảnh tự nhiên mà khách du lịch nào cũng muốn đến để khám phá. Nhưng quan trọng hơn, người dân nơi đây đã dần biết cách làm du lịch một cách bền vững để di sản mà thiên nhiên ban tặng sẽ được khai thác một cách thân thiện và lâu dài.
Và đóng góp vào quá trình thay đổi nhận thức từ khai thác du lịch một cách vô tội vạ đã từng xảy ra ở nhiều địa phương trước đây sang các loại hình du lịch sinh thái bền vững không thể không kể tới các dự án hỗ trợ của nước ngoài.
Cụ thể với trường hợp Phong Nha - Kẻ Bàng là dự án hỗ trợ phát triển tuyến du lịch bền vững của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Việt Nam. Đây là một trong các tiểu dự án thuộc Dự án Phát triển Du lịch Bền vững Khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) mà ADB hỗ trợ, trong đó tại Việt Nam có 5 tỉnh được lựa chọn triển khai từ năm 2008.
Khảo sát về hiệu quả các dự án được tiến hành mới đây của các cán bộ ADB ghi nhận, chất lượng xây dựng của dự án này rất tốt và tất cả các trang thiết bị (như xe thu gom rác, xe buýt chạy tour, các thuyền composit thân thiện môi trường…) đều được sử dụng hiệu quả.
Hợp phần của dự án này cũng được đánh giá là hoạt động bền vững bởi liên tục trong những năm qua, lượng khách đến ghi nhận mức tăng trung bình trên 10% mỗi năm và tuyến du lịch này đã đem lại nguồn thu cao hơn kỳ vọng ban đầu.
Các chương trình tập huấn theo chương trình dự án cũng đã giúp người dân địa phương tiếp cận và thành thạo với các công việc trong ngành du lịch, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý tốt hơn các hoạt động du lịch bền vững tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.