Định hướng nhân lực cho ngành du lịch
Vì sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao | |
Ngành du lịch: Hợp tác để cùng phát triển | |
Nâng “chất” nhân lực bằng gắn kết |
Hiện, các trường đào tạo nghề về du lịch tại Đà Nẵng mới chỉ cung cấp mỗi năm chưa tới 1 nghìn người. Trong khi, ước tính đến năm 2020, thành phố có khoảng hơn 20 nghìn phòng khách sạn 4 - 5 sao, sẽ cần một lượng lớn lao động có tay nghề cao.
Nhân lực cho ngành du lịch vừa thiếu vừa yếu |
Mới đây, nhằm tìm những giải pháp mang lại nguồn cung nhân lực cho ngành du lịch trước thực trạng các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đang gia tăng nhanh, Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp ổn định nguồn nhân lực.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu tham gia đã nêu lên thực trạng mất cân đối trong đội ngũ nguồn nhân lực ngành du lịch, khi thiếu đội ngũ quản lý, đặc biệt là thiếu trầm trọng đội ngũ quản lý cao cấp dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực không ổn định. Lao động tại khách sạn luôn có sự dịch chuyển, biến động, gây khó khăn trong kinh doanh, chất lượng dịch vụ và phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu.
Theo bà Dương Thị Thơ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Fivi cho rằng, sự ra đời của nhiều khách sạn và lời mời với mức lương hấp dẫn khiến những người ở vị trí quản lý, trưởng, phó các bộ phận khối 1-3 sao không gắn bó với nơi mình đang làm việc.
Tương tự, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Việt Đà Travel cũng thừa nhận, nhiều DN đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong nhóm dịch vụ phục vụ du khách (khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi...).
Đặc biệt, theo một điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số lao động sau khi được tuyển dụng đối với lĩnh vực lữ hành chỉ 41,5% có thể sử dụng ngay; với nghề khách sạn, con số này là 62% và thấp nhất là lĩnh vực nhà hàng, chỉ 28,8%.
Vì vậy, để lấp đầy nhân sự cho các vị trí khác nhau ở khách sạn, nhiều DN đã phải tuyển dụng lượng lớn nhân viên chưa qua đào tạo hoặc “lôi kéo” bằng chính sách lương cao đối với nguồn nhân lực có kinh nghiệm về làm cho mình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại diện nhiều DN cho rằng, giữa nhà trường đào tạo nhân lực ngành du lịch và DN sử dụng nhân lực chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa nhu cầu và thực tế.
Việc thiếu hợp tác, đồng nhất trong đào tạo nguồn nhân lực không chỉ gây khó khăn trong tuyển dụng, hoạt động mà còn gây lãng phí cho xã hội. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, chỉ ra rằng nhu cầu nhân lực rất cần thiết, nhưng các trường chỉ cung cấp được khoảng 20% số lượng yêu cầu, chưa kể trong đó có những người không đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Để khắc phục tình trạng “đỏ mắt” đi tìm nhân lực cho ngành du lịch, rất cần thiết phải có sự hợp tác giữa các bên, nhà trường, DN và các cơ quan chức năng. Trong đó, định hướng về đội ngũ đào tạo; cơ sở vật chất của nhà trường cũng phải đạt chuẩn.
Nhà trường cần phải định hướng ngay từ khi các em chọn ngành, chọn nghề, tránh tình trạng đi học tạm, đi làm tạm dẫn đến tâm lý nhảy việc. Nhà trường nên khảo sát nhu cầu thực tế thị trường đang cần lao động gì, từ đó liên kết với DN để ký kết thỏa thuận về việc làm sau tốt nghiệp, kết hợp với DN trong việc tuyển dụng, tuyển chọn nhân lực. Về lâu dài cần có tiêu chuẩn về đào tạo giữa nhà trường và DN để có tiếng nói chung.
Trong khi đó, các DN cũng cần chủ động tăng cường sự phối hợp với nhà trường, tạo điều kiện để sinh viên thực tập, gắn lý thuyết với thực hành, tạo cơ hội để sinh viên học việc… Có như vậy, mới giải được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực đang rất trầm trọng như hiện nay.