Thắt lại sợi dây liên kết FDI
Thu hút FDI thế hệ mới: Cần chính sách đi trước đón đầu | |
Tầm nhìn cho FDI thế hệ mới | |
Thu hút FDI từ khu vực EU |
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong 2 quý cuối năm 2017, dòng vốn FDI có xu hướng bật tăng mạnh và cả năm nay có thể đạt mức 35 tỷ USD vốn đăng ký, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, vốn thực hiện ước đạt khoảng 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Có thể nói, những con số này đã thể hiện kết quả thành công ngoài mong đợi, tuy nhiên các chuyên gia đều băn khoăn rằng thành công này vẫn chưa được chia sẻ nhiều cho các DN trong nước.
Thành công lớn nhưng chưa lan toả
Nhìn lại hành trình FDI vào Việt Nam, GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đánh giá, DN Việt Nam vẫn chưa tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng của các NĐT nước ngoài, khiến tác động lan tỏa của khối FDI chưa được như kỳ vọng. Ông Mại phân tích, Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động thông minh, máy tính bảng…; kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2016 đạt 30 tỷ USD, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới… Tuy nhiên, trong mỗi chuỗi cung ứng, DN trong nước chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp.
Phát triển các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa theo kịp sự phát triển của DN FDI |
Thống kê của Tổng cục Hải quan đã chỉ rõ hơn điều này, đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại và linh kiện, máy móc, phụ tùng và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI luôn chiếm áp đảo với tỷ lệ hơn 90%; với hàng dệt may, tuy kim ngạch của khối DN trong nước có cao hơn đáng kể song cũng chỉ chiếm chưa đầy 40% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
GS. Nguyễn Mại nêu dẫn chứng cụ thể hơn. Đó là trường hợp của Samsung Việt Nam, cho dù mỗi sản phẩm điện tử có tới hàng trăm linh kiện, nhưng hiện chỉ có 29 DN Việt Nam trên tổng số hơn 600.000 DN là nhà cung cấp trực tiếp cho Samsung. “Có khoảng 87 nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ cấp 1 Hàn Quốc theo chân Samsung đến. Việt Nam chỉ thu được thuế, tăng nguồn lao động, bảo hiểm từ các DN này. Nếu Việt Nam có công nghiệp hỗ trợ, phần hưởng lợi của 87 nhà sản xuất này sẽ được chia sẻ cho DN Việt Nam, đây là phần rất quan trọng”, GS. Nguyễn Mại tiếc nuối.
Trên thực tế, đã có không ít tấm gương về sự thành công trong tiếp nhận công nghệ từ FDI và tạo sự kết nối, lan toả đến khối DN trong nước mà Việt Nam có thể học theo. TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương dẫn chứng, Trung Quốc có khoảng 100 DN nội địa bứt ra từ Công ty Canon, Nhật Bản để sản xuất và cung cấp trở lại cho chính Canon ở Trung Quốc. Tương tự như vậy, nhờ tiếp cận với công nghệ sản xuất điện thoại của NĐT Mỹ, quốc gia này cũng đã có sản phẩm điện thoại thông minh được nội địa hoá, mang thương hiệu riêng. “Tại sao chúng ta không khuyến khích phát triển được đội ngũ có kỹ năng, kinh nghiệm từ chính các DN FDI như Trung Quốc đã làm? Đây mới là mục đích chính của thu hút FDI”, bà Bình đặt vấn đề.
Hiến kế kết nối
Những lý do khiến sự kết nối giữa 2 khối DN chưa đạt được thành công như mong đợi đã được ông Nguyễn Mạnh Linh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ đã chỉ ra. Trước hết, số lượng DN công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là DN đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, có khả năng cung ứng cho DN FDI, nhà cung cấp chuỗi vệ tinh còn rất ít. Công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng của DN còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu cao của khách hàng. Hiện nay còn thiếu các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, thúc đẩy liên kết từ Chính phủ và các cơ quan hỗ trợ DN; mối liên kết, trao đổi thông tin giữa DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và DN FDI, DN vệ tinh còn hạn chế.
Để giải quyết những vấn đề này, các chuyên gia cho rằng DN FDI cần kết nối, hợp tác với DN Việt Nam, hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực… Tuy nhiên không thể ngồi chờ các NĐT nước ngoài tự giác thực hiện việc này, mà cần có những chính sách phù hợp và cụ thể. Đó là những chính sách kết nối bằng các ưu đãi thích ứng, khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công.
GS. Nguyễn Mại khuyến nghị, Chính phủ cần thực hiện 3 việc. Thứ nhất, kết nối giữa DN trong nước với DN FDI bằng các ưu đãi thích ứng. Thứ hai, hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực. Thứ ba, nhân rộng mô hình thành công như của Samsung bằng việc thu hút thêm các tập đoàn đa quốc gia để hình thành các chuỗi sản xuất mới ở Việt Nam.
Cũng theo các chuyên gia, cùng với xây dựng chiến lược thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn tới đây gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam phải xây dựng được Luật Công nghiệp hỗ trợ. Bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, chiến lược mới cần giải quyết đồng thời được 3 điểm là thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, giữ chân các NĐT để họ tiếp tục phát triển.
Theo bà Bình, việc thu hút FDI cần chuyển từ thế bị động sang chủ động. Nhà nước cần chủ động mời gọi NĐT vào lĩnh vực ưu tiên thay vì chờ đợi NĐT đến Việt Nam. Bà Bình cũng lưu ý, việc khuyến khích chuyển giao công nghệ sang khối nội địa là cực kỳ khó khăn. Các DN liên doanh sẽ chuyển giao dễ dàng hơn, tuy nhiên thời gian qua hình thức liên kết này gần như không tồn tại. Vì vậy bà kiến nghị phải có chính sách để các DN FDI vào Việt Nam dưới hình thức liên doanh nhiều hơn.
Cùng với các chính sách của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN Việt Nam cũng cần tự tin, chủ động tiếp cận DN FDI, đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển của DN.