Thu hút FDI thế hệ mới: Cần chính sách đi trước đón đầu
Giải ngân vốn FDI đạt 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ | |
Tầm nhìn cho FDI thế hệ mới | |
Thu hút FDI từ khu vực EU |
Với những thành quả đã được trong 30 năm qua và so sánh với các quốc gia trong khu vực, có thể khẳng định Việt Nam đang có kết quả rất tốt trong thu hút FDI. Tuy nhiên dòng vốn này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi cần thay đổi cách tiếp cận NĐT dựa trên các lợi thế chiến lược của Việt Nam, thay vì dựa vào tài nguyên, mở rộng thị trường hay lao động giá rẻ như hiện nay.
Tầm nhìn xa, mục tiêu kép
Trong dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018-2023, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện đã nêu rõ, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 xác định quan điểm cải cách mô hình tăng trưởng của quốc gia và đảm bảo phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đặt trong bối cảnh chung đó, định hướng và ưu tiên mới trong thu hút FDI đã xác định cần thúc đẩy FDI theo quy hoạch của các ngành mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu thụ ít năng lượng; phát triển FDI một cách bền vững với trọng tâm là chất lượng và tác động lan toả đối với kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối với DN trong nước.
Cần có chính sách phù hợp để phân tán vốn FDI vào các địa phương kém phát triển hơn |
Điều này hàm ý rằng, Việt Nam cần tập trung thu hút FDI theo hướng tạo ra mức lương cao hơn thông qua tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn; phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển trong nước; khuyến khích sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn; tạo cơ hội cho DN địa phương hợp tác với các công ty quốc tế trong vai trò cấu thành chuỗi giá trị toàn cầu, không thay thế NĐT cũng như DNNVV trong nước…
Với các yêu cầu đặt ra như trên, ông Wim Douw, chuyên gia cao cấp về chính sách đầu tư thương mại và cạnh tranh của WB khuyến nghị, chính sách FDI phải chuyển từ bị động mở cửa sang chủ động thu hút. Đồng thời, để thực hiện cùng lúc các mục tiêu đa dạng, chỉ riêng chính sách đối với FDI sẽ không đủ, mà cần có hỗ trợ liên kết kinh tế. Vì vậy cần song hành và bổ sung bằng các chính sách đầu tư, phát triển vùng, thương mại, phát triển và đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động, hỗ trợ năng lực khung và năng lực thể chế.
Để tránh xung đột, chồng chéo, dàn trải
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, thu hút FDI phải dựa vào việc quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, mà đáng tiếc là hiện nay quy hoạch của chúng ta luôn trong tình trạng điều chỉnh, sửa đổi bổ sung và rất tự phát. Ông Thắng lưu ý, mặc dù giai đoạn vừa qua Việt Nam xác định thu hút NĐT nước ngoài để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp, song kết quả thực tế vẫn chưa cao như mong đợi. Trong khi đó vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản lại phát triển mạnh mặc dù đây không được xác định là lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, tầm nhìn chiến lược thu hút FDI cũng cần tránh sự xung đột với các chiến lược thu hút đầu tư khác. Ông Thắng lấy ví dụ, hiện nay Quốc hội đang thẩm tra Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt, với mục tiêu thành lập 3 đặc khu kinh tế để thu hút các NĐT lớn, nguồn vốn chất lượng ở đẳng cấp cao của quốc tế. Như vậy, chiến lược thu hút FDI song hành với luật này cần được tiến hành như thế nào để không bị chồng chéo, gây ra tình trạng cạnh tranh, dẫm chân nhau ngay giữa chính các địa phương trên cả nước.
Yếu tố khác cần chú ý là bối cảnh thực hiện chiến lược và yếu tố thúc đẩy FDI toàn cầu, trong đó cần tập trung phân tích sâu hơn vào những xu hướng sẽ tác động trong 10 năm tới là sản xuất thông minh, Cách mạng công nghiệp 4.0, các FTA khu vực và toàn cầu… Đây là các xu hướng tác động lớn, mà chính sách xúc tiến đầu tư của Việt Nam còn chưa đủ hiệu quả để đón đầu trong giai đoạn tới.
Các vấn đề khác như đặt trọng tâm vào phát triển cụm công nghiệp, chuỗi giá trị, các hình thức đầu tư mới như đầu tư gián tiếp, hoặc phương thức hợp tác nước ngoài không sử dụng vốn chủ sở hữu… có thể thay thế một phần phương thức đầu tư trực tiếp như hiện nay. Các xu hướng này cần được nhận diện để đặt ra chính sách mới đi kèm nhằm điều chỉnh trong tương lai.
Một vấn đề hạn chế trong thu hút FDI giai đoạn vừa qua và cần tháo gỡ trong tầm nhìn chiến lược thời gian tới chính là tập trung FDI thay vì phân tán đều vào các tỉnh, thành, địa phương. Nghiên cứu của WB cho thấy, trên 70% FDI cho tới hiện tại tập trung ở 11 trong 63 tỉnh của Việt Nam, nơi chỉ có 33% dân số quốc gia. Vậy, cần phân tích sâu hơn về nguyên nhân khiến các tỉnh có thu nhập thấp, có FDI hạn chế, xem về mặt chính sách có gì chưa thuận lợi, bên cạnh các điểm yếu về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.
GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài góp ý, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi nhưng rất ít NĐT đến với những tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Mại, vấn đề ở đây nằm ở điều kiện kinh tế - xã hội và cần có chính sách cụ thể để những vùng khó khăn phát triển hơn nữa mới thu hút được NĐT.
Cũng cần lưu ý là FDI thế hệ mới xác định sẽ chảy nhiều hơn vào các ngành công nghệ cao, công nghệ xanh… chỉ có khả năng thực hiện ở các thành phố, trung tâm kinh tế lớn do ở đây có khả năng đáp ứng nguồn nhân lực có kỹ năng… Như vậy, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề phân tán đầu tư vào các tỉnh có thu nhập thấp như thế nào?
Về cải thiện năng lực thể chế, một số ý kiến nhấn mạnh, cần tách hoạt động xúc tiến đầu tư ra khỏi quản lý nhà nước. Nhìn lại 30 năm qua, thiết chế một cơ quan tập trung cả chức năng xúc tiến đầu tư và quản lý đầu tư chỉ phù hợp trong giai đoạn 15 năm đầu khi nhận thức chung của xã hội về FDI còn chưa rõ, việc xúc tiến đầu tư và quản lý đầu tư của các địa phương còn yếu. Khi điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, đáng ra phải phân tách 2 chức năng này từ năm 2005, khi tiến hành phân cấp quản lý đầu tư toàn diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các địa phương, dựa trên cơ sở Luật Đầu tư năm 2005. Tuy nhiên, thực tế là đến nay sau 30 năm, thể chế này vẫn được áp dụng và đang ngày càng trở nên lạc hậu.