Thu hút FDI từ khu vực EU
10 tháng, vốn FDI giải ngân đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8% | |
Thu hút FDI: Xây tổ cho phượng hoàng nào ở? |
Theo đánh giá của các chuyên gia, thu hút nguồn vốn từ các quốc gia thuộc EU sẽ là lợi thế lớn đối với Việt Nam bởi các DN EU thường có công nghệ cao, kỹ năng quản trị tiên tiến. Tỷ lệ vốn vay từ các dự án FDI của EU thấp và ít nguy cơ rủi ro.
Ảnh minh họa |
Hiện các dự án đầu tư của EU có tỷ lệ vốn vay là 42%, trong khi tỷ lệ vốn vay trung bình của các dự án FDI ở Việt Nam là 54%. Mức độ giải ngân thực hiện nhanh hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Theo tỷ lệ cộng dồn đầu tư thực hiện trên mức đầu tư cam kết cao hơn gấp 4 lần mức trung bình ở Việt Nam.
Các DN FDI của EU có thế mạnh trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh và chế biến thực phẩm, nông thủy sản, thực phẩm dinh dưỡng, năng lượng tái tạo, chế tạo thiết bị máy móc và công nghệ cao. Đây là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng lợi thế và tập trung nhiều lao động.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (VEFTA) có hiệu lực vào năm 2018 kỳ vọng nguồn vốn từ EU sẽ tới đầu tư tại Việt Nam và tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhiều thế mạnh. Theo các chuyên gia, nó không chỉ thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và EU mà còn góp phần thực hiện chiến lược công nghiệp hóa và cải thiện năng suất lao động của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch lên đến 34 tỷ USD năm 2016, là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 11,1 tỷ USD năm 2016. Đặc biệt EU đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam.
Là nhà đầu tư lớn và sớm có mặt ở Việt Nam, các nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam từ cuối năm 1987, khi Việt Nam mới ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Nhìn lại sau 30 năm thu hút FDI từ EU có thể nhận định rằng, EU là một trong những nhà đầu tư lớn của nước ta, chỉ đứng sau các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.
Các nhà đầu tư EU đã đầu tư vào 18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 630 dự án có tổng vốn đầu tư 8 tỷ USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay có 24 quốc gia thuộc khối EU có gần 2 nghìn dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư đăng ký 21,563 tỷ USD, chiếm 8,5% số dự án của cả nước và chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. So với các nước Đông Á, tổng vốn đăng ký đầu tư vẫn còn rất nhỏ giọt và chưa bằng một nửa vốn đăng ký đầu tư của Hàn Quốc.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam, tác động cộng hưởng của Hiệp định EVFTA và các FTA đã ký là rất lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam ngày càng tăng trưởng tại các thị trường có FTA.
Hiện nay, với việc EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018 là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên châu Âu kỳ vọng tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ có thể được khai thác khi các nhà đầu tư cảm thấy chi phí đầu tư đủ thấp, thủ tục đầu tư minh bạch và các rủi ro hầu như có thể dự đoán được. Chính vì vậy vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là rất lớn.
Đối với cả Việt Nam và EU, có thể nói thương mại hàng hóa sẽ là lĩnh vực hứa hẹn nhất hiện nay do việc xóa bỏ thuế quan sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vốn đã và đang phát triển mạnh mẽ giữa hai bên.
Tuy nhiên bên cạnh hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì Việt Nam cũng cần thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư như cải thiện thủ tục hành chính và đồng bộ hoá với phía châu Âu.
Bên cạnh đó, tiếp tục quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam tới những DN chế biến, sử dụng công nghệ cao, lao động có kỹ năng của EU tới đầu tư nhằm cải thiện tình trạng chủ yếu sử dụng lao động giản đơn, lắp ráp của các DN FDI nói chung hiện nay.
Những cam kết và quy định mà Việt Nam và EU đã thống nhất trong VEFTA hứa hẹn sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, mang lại tác động tích cực tiến trình cải cách thể chế, giúp hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan, tác động lâu dài, sâu rộng và tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp hai bên khai thác lợi ích từ Hiệp định. Việt Nam hiện đang sở hữu những lợi thế để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp châu Âu, nhất là khi VEFTA có hiệu lực vào năm 2018.