Tầm nhìn cho FDI thế hệ mới
Thu hút FDI từ khu vực EU | |
Thu hút FDI: Xây tổ cho phượng hoàng nào ở? | |
Chưa vội hút vốn lớn |
Xu hướng mới và kỳ vọng mới
Năm 2017 đánh dấu mốc thời gian tròn 30 năm Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với những thành công và hạn chế đan xen. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, sau 30 năm vốn FDI thu hút được đã đạt gần 313 tỷ USD với hơn 24.000 dự án, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tính theo tỷ lệ % GDP hoặc theo đầu người, dòng FDI của Việt Nam đã vượt Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các quốc gia ASEAN lớn.
Việt Nam đã thu hút được một số dự án giá trị cao từ các tập đoàn toàn cầu hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, hình thành nên một số mạng sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng phần lớn FDI vào Việt Nam mới tập trung trong các ngành mang tính khai thác thị trường nội địa và sản xuất giá trị tương đối thấp. Đó là chưa kể nhiều hạn chế khác như tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu… Điều này cho thấy chính sách thu hút FDI đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế cần được khắc phục.
Việt Nam phải phát triển dựa trên nền tảng về kỹ năng lao động, công nghệ, chuỗi sản xuất |
Dẫn khảo sát thực hiện hồi tháng 7/2017 về FDI, ông Wim Douw, chuyên gia cao cấp về Chính sách đầu tư thương mại và cạnh tranh của WB cho biết, NĐT luôn trả lời chi phí lao động và năng lượng thấp, chính sách thuế ưu đãi rộng rãi là những lý do chính để đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên những lợi thế này đang mất dần. “Xu hướng toàn cầu hiện nay là FDI thâm dụng lao động có khả năng giảm đi, kể cả khi Việt Nam đối mặt với đối thủ cạnh tranh mới có chi phí thấp hơn. Vì vậy, Việt Nam phải phát triển dựa trên nền tảng về kỹ năng lao động, công nghệ, chuỗi sản xuất”, ông Wim Douw khuyến nghị.
Để khắc phục những hạn chế trong thu hút FDI thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018-2023 (chiến lược FDI thế hệ mới) với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ WB.
Cùng với kết quả nghiên cứu về thực trạng thu hút FDI hiện nay, Dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018-2023 đã đề xuất những ngành ưu tiên hàng đầu trong chủ động xúc tiến và hỗ trợ FDI. Về ưu tiên trước mắt, đó là sản xuất kim loại bậc cao, hoá chất, nhựa và linh kiện điện tử, máy và thiết bị công nghiệp; dịch vụ hậu cần; nông nghiệp sáng tạo, giá trị cao; dịch vụ du lịch giá trị cao. Về ưu tiên ngắn hạn, đó là sản xuất thiết bị gốc và thiết bị vận tải, ô tô; công nghệ môi trường… Ưu tiên trung hạn tập trung vào sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế; dịch vụ giáo dục và y tế, dịch vụ tài chính, dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ tri thức…
Bước chuyển từ từ hay đột phá?
Cùng với đề xuất về các ngành ưu tiên tập trung thu hút FDI, bản dự thảo cũng khuyến nghị các nhóm chính sách để thực hiện chiến lược. Theo đó, cần chuyển lợi thế cạnh tranh từ chi phí nhân công thấp, dịch vụ hạ tầng chi phí thấp sang lao động kỹ năng tay nghề cao, công nghệ sử dụng nguồn lực tiết kiệm, có vị trí tốt trong ASEAN. Chính sách xúc tiến đầu tư chuyển từ thụ động, mở cửa cho NĐT sang xúc tiến chủ động, có mục tiêu để thu hút NĐT mà đất nước mong muốn. Công cụ marketing chính chuyển từ các ưu đãi cao để thu hút NĐT dựa trên lợi thế chi phí ngắn hạn sang chiến lược toàn diện theo ngành để thu hút NĐT dựa trên lợi thế cạnh tranh dài hạn; ưu đãi thuế dựa trên giá trị FDI chuyển sang ưu đãi dựa trên kết quả tạo ra giá trị gia tăng trong nước…
Góp ý vào bản dự thảo chiến lược, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu tổng thể về thu hút FDI trong quá khứ nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có cách tiếp cận tổng quát, tổng kết việc thu hút FDI để gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. GS. Nguyễn Mại cũng cho rằng khoảng thời gian 5 năm (2018-2023) là quá ngắn cho một chiến lược. Giai đoạn 3 năm (2018-2020) này sẽ là bước đệm để Việt Nam điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ chính sách thu hút FDI gắn với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, và đến năm 2021 sẽ thực hiện đồng thời tất cả các nội dung của chiến lược 10 năm.
Các chuyên gia của WB cũng lưu ý, với thực trạng phát triển của nền kinh tế hiện nay, thu hút FDI thế hệ mới vẫn cần có bước chuyển dần chứ không thể lập tức nhảy vọt. Theo đó, bên cạnh việc tập trung thu hút FDI có giá trị cao hơn, FDI vào những hoạt động có giá trị thấp hơn sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng. Ông Wim Douw phân tích, do Việt Nam có dân số lớn và trẻ, trên 700.000 việc làm mới cần được tạo ra mỗi năm chỉ để bắt kịp tăng trưởng trong lực lượng lao động, và chưa tới 20% lực lượng lao động hiện nay có tay nghề chuyên môn. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất – lắp ráp sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp (như may mặc hoặc điện tử tiêu dùng) sẽ tiếp tục là nguồn tạo việc làm trên quy mô lớn và có thể đóng vai trò bước đệm dẫn tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao.
Một nguyên nhân nữa được WB lưu ý là trên 70% FDI cho tới hiện tại tập trung ở 11/63 tỉnh thành của Việt Nam, nơi chỉ có 33% dân số quốc gia. FDI còn ít ở những tỉnh có thu nhập theo đầu người thấp. Như vậy, việc tiếp tục thu hút FDI trong ngành nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ cơ bản hơn sẽ vẫn hữu ích trong việc tạo việc làm và phát triển kỹ năng ở các tỉnh thành kém phát triển hơn của Việt Nam. Thực tế cho thấy những xu hướng này cũng đã bắt đầu xuất hiện, với số lượng ngày càng nhiều các NĐT trong những ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc và hoạt động thuê ngoài quy trình kinh doanh ở những vùng và đô thị loại hai.
GS.TS. Nguyễn Mại cũng bổ sung, chiến lược cần đặt ra vấn đề thu hút các NĐT từ Mỹ và EU. Trong nhiều năm qua, đứng đầu trong danh sách đầu tư vào Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tôi vẫn chưa tìm ra được lời giải cho câu hỏi tại sao Mỹ và EU chưa đầu tư thích đáng vào Việt Nam. Làm thế nào để kéo thêm nhiều NĐT từ các khu vực này là câu chuyện cần bàn sắp tới. Nếu không làm được, FDI vào Việt Nam vẫn chủ yếu là từ châu Á”, ông Mại nói.
Các chuyên gia cũng lưu ý, chiến lược cần phân tích rõ hơn về chính sách thu hút FDI trong bối cảnh các FTA thế hệ mới đang xuất hiện ngày càng nhiều dưới cả hình thức song phương và đa phương, đặc biệt hiệp định mới của TPP là CPTPP; cùng với đó là hình thức mua bán và sáp nhập phát triển mạnh hơn bên cạnh đầu tư mới như trước đây. Các xu hướng này sẽ có tác động rất lớn tới dòng chảy của vốn ngoại trong giai đoạn tới.