Thể chế này doanh nghiệp làm sao lớn nổi
Những gánh nặng khiến DN “khó lớn”
“DN nơm nớp, cứ mỗi luật mới ra đời, lợi đâu chưa biết nhưng gần như lại thêm một gánh nặng mới với những cấm đoán hay nghĩa vụ nào đó” – Chủ tịch HĐQT một công ty than thở.
Bộ luật Hình sự năm 2015, bỏ được tội cố ý làm trái và kinh doanh trái phép thì có 2 tội nguy hơn là sa thải lao động trái luật và trốn đóng bảo hiểm xã hội. Luật Phí và lệ phí thì chuyển thuế môn bài thành phí, tưởng giảm gánh nặng, nhưng mức đóng thì lại dự kiến tăng lên gấp 3. Luật Đầu tư quy định chỉ có 6 ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Nhưng hàng chục thứ cấm khác thì vẫn bị cấm.
DN mong xóa bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh theo đúng tinh thần của 2 luật |
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Hiệp hội DNNVV Việt Nam thì nói rằng đã xuất hiện tâm lý “nản chí” trong một bộ phận không nhỏ các doanh nhân bởi một hiện thực “DN nào có quan hệ tốt với chính quyền sẽ dễ tiệm cận với tài nguyên đất, khoáng sản, các gói thầu... nên tăng trưởng rất nhanh, áp đảo các “DNNVV chân phương”. Và một bộ phận khác vì sự “sinh tồn” phải chạy theo xu thế “kinh doanh quyền lực” đó là sự thực đáng lo ngại.
“DN tư nhân khi tiếp cận các nguồn lực chưa được bình đẳng. Môi trường hiện nay chưa thực sự hỗ trợ cho các DN tư nhân hoạt động có hiệu quả”, ông Phạm Đình Đoàn- Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái phát biểu.
Việt Nam có quá ít các DN tư nhân quy mô tương đối lớn. DN quy mô lớn đã ít, phần lớn số DN này lại tập trung đầu tư vào đất đai và vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bất động sản, xây dựng, khai thác mỏ…
Đây là các lĩnh vực có thể tận dụng được cơ chế “xin-cho” của nhà nước. Và có rất ít các DN đầu tư dài hạn trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ công nghệ cao, sáng tạo. Vì thế không tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam ở đẳng cấp cao và hiệu quả kinh tế vượt trội.
Trong khi Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng DN đang cùng đồng tâm hô hào khơi dậy phong trào khởi nghiệp, lấy năm 2016 là năm khởi nghiệp quốc gia thì thứ trưởng của một bộ kể ra một thực trạng buồn. Nhiều người chia sẻ với ông, phần lớn những bậc cha mẹ có kinh nghiệm thương trường hiện nay khuyên con không nên khởi nghiệp, và khuyên con phải có nghề, có vốn, có quan hệ mới lập DN còn nếu không có những điều đó “thì lập DN làm gì”.
Những câu chuyện trên, là một thực tế trả lời cho câu hỏi mà Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 đã đặt ra: Vì sao DNNVV khó lớn.
Vị Chủ tịch HĐQT nói rằng “Thể chế như thế DN sao lớn được”.
DN lớn phiền hà lớn theo
PCI đặt câu hỏi “Vì sao DNNVV khó lớn”. Và PCI đưa ra những gánh nặng khiến DN ngại lớn. Đó là DN gặp nhiều khó khăn khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều hạn chế trong nắm bắt cơ hội thị trường. Thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, cảm nhận về thị trường, lợi nhuận hay sự hỗ trợ của chính quyền địa phương không được như kỳ vọng lúc khởi sự, khả năng cạnh tranh trên thị trường tệ hơn so với kỳ vọng.
87% DNNVV có đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh song chỉ một nửa trong số này có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khoảng 75% các DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, 54% DN siêu nhỏ và nhỏ cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”. Khoảng 65% DN nhỏ và siêu nhỏ cho biết hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên.
DNNVV cũng gặp nhiều hạn chế trong nắm bắt cơ hội thị trường. Quá trình hoạt động kinh doanh cho DN thấy thực tế lợi nhuận, cơ hội thị trường và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương không được như kỳ vọng lúc khởi sự. Khả năng cạnh tranh trên thị trường tệ hơn so với kỳ vọng.
Bên cạnh đó là gánh nặng thanh, kiểm tra và gánh nặng thủ tục hành chính. Năm gần nhất có 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực. Có một hiện tượng đáng lo ngại là các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao. Có 54% DN siêu nhỏ và 49% DN nhỏ đồng ý với nhận định “Thủ tục giấy tờ là đơn giản”.
Số còn lại cho biết các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường, và thanh toán qua kho bạc đều là những lĩnh vực mà tỷ lệ DN thấy phiền hà gia tăng theo quy mô của DN.
Thực trạng đó khiến DNNVV ngại lớn, hộ gia đình thì chấp nhận làm ăn phi chính thức, không muốn chính thức để trở thành DN. Tình trạng chính thức hay không, sẽ tác động lớn đến sự phát triển của DN, nếu DN chính thức tăng lên sẽ mang lại lợi ích từ tăng năng suất đến việc làm và tăng trưởng kinh tế. Nhưng thể chế đang là một quan ngại.
“Cải cách thể chế là hành trình gian nan”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phải phát biểu như vậy. Gian nan thể hiện ngay ở những hoạt động của Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư. Sự ra đời của Tổ đã đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng DN, nhưng từ ngày thành lập, các phiên họp của Tổ vẫn là những phiên họp kín, “không nên có báo chí tham gia”.
Gian nan thể hiện ngay ở nỗi trăn trở của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Bùi Quang Vinh. Ông khẳng định một trong những động lực lớn nhất của nền kinh tế là DN và trọng tâm chính là DNNVV.
Do đó, vấn đề phát triển các DNNVV là vấn đề quan trọng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Nhưng việc thành lập một ban soạn thảo Luật hỗ trợ cho DNNVV chậm vì các bộ không trả lời. Luật khó vì xuyên ngang các luật khác, như thuế lại đụng chạm đến luật thuế, quỹ đầu tư mạo hiểm, lãi suất lại đụng chạm ngân hàng…
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: “Câu chuyện DNNVV đã có từ 15 - 20 năm nay. Ta có nhiều chính sách nhưng chưa đi vào cuộc sống. Ông nói, phải cải cách, dấy lên làn sóng bênh vực, bảo vệ, hỗ trợ DN. Theo ông, “Cơ quan hỗ trợ DN là cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, các ngành các cấp, các hiệp hội. Cần có điểm rõ hơn tại điều kiện thi hành, có chế tài xử phạt cơ quan, tổ chức nhũng nhiễu DN”.
DN thì mong xóa bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh theo đúng tinh thần của 2 luật; quyết liệt hạn chế các bộ, ngành ban hành các điều kiện kinh doanh trái Luật DN và Luật Đầu tư, xoá bỏ các "giấy phép con"... để môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được tự do, cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh của DN và người dân.