Thức ăn chăn nuôi: “Nội” bắt đầu lấn “ngoại”
Với việc chính thức đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản trị giá hơn 20 triệu USD tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vào đầu tuần qua, Tập đoàn Sao Mai An Giang nói riêng và các DN kinh doanh ngành thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản nội địa của Việt Nam nói riêng đã chính thức “chia lại” thị trường ngành này.
Ảnh minh họa |
Bắt đầu từ thời điểm này trở đi điệp khúc cửa miệng: “ngành thức ăn chăn nuôi bị DN ngoại thao túng” sẽ không còn được nhắc lại nữa vì thị phần của các DN nội địa đã bắt đầu lấn lướt và có khả năng bỏ xa các tập đoàn đa quốc gia.
Từ thực tế thị trường, không khó để nhận thấy sự đổi ngôi trong hoạt động đầu tư vào ngành thức ăn chăn nuôi, bởi chỉ tính trong vòng từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập và các dự án đầu tư lớn đã được các DN trong nước chính thức khởi công.
Cuối tháng 4/2015, trong một động thái bất ngờ Tập đoàn Masan-một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đã công bố nắm quyền sở hữu 52% vốn của CTCP Việt – Pháp (Proconco) và 70% vốn của Tập đoàn Anco.
Bằng việc thâu tóm này, Masan trở thành tập đoàn có sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất hàng năm khoảng 1,7 triệu tấn, chỉ đứng sau C.P Việt Nam. Tuy nhiên, hai tuần gần đây, DN này lại đang tiếp tục đàm phán một thương vụ mua bán với Tập đoàn GreenFeed (Việt Nam – Malaysia) trị giá khoảng 500 triệu USD.
Nếu thương vụ này thành công, Masan sẽ sở hữu thêm 4 nhà máy thức ăn chăn nuôi có công suất trên 500 ngàn tấn. Và đến lúc đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi hàng năm của Masan sẽ đạt khoảng 2,2 triệu tấn, cân bằng với sản lượng của C.P Việt Nam.
Tương tự như Masan, mới đây CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) công bố sản lượng thức ăn thủy sản mà nhà máy của họ sản xuất ra trong năm 2015 sẽ đạt khoảng 1,2 triệu tấn chứ không phải 1 triệu tấn như kế hoạch HVG đề ra hồi đầu năm.
Và mặc dù chưa chính thức công bố thông tin nhưng nhiều khả năng HVG sẽ có một thương vụ mua bán trị giá 2.000 tỷ đồng với tập đoàn chăn nuôi của Đan Mạch để nhập trọn gói con giống, thiết bị chuồng trại, nhà máy thức ăn, thuốc thú y cho dự án chăn nuôi heo khép kín của mình. Nếu thương vụ này diễn ra, đến năm 2018, HVG sẽ có thêm 1,2 – 1,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và hàng triệu con heo thương phẩm.
Một đại gia nội địa khác là Tập đoàn Hoà Phát (HPG) thời gian qua cũng có những hoạt động đầu tư mạnh vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Theo đó, sau khi ra mắt thành công đơn vị kinh doanh mảng thức ăn chăn nuôi với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng tại Hưng Yên vào tháng 3/2015, mới đây Hòa Phát lại tiếp tục thành lập thêm một công ty mới tại Đồng Nai với số vốn 200 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của tập đoàn này, nếu đầu tư thuận lợi, ngay trong năm 2016 họ sẽ có sản phẩm thức ăn chăn nuôi đầu tiên ra thị trường, qua đó, chính thức bước vào cuộc đua của ngành chăn nuôi với tham vọng đạt doanh số 8.000 tỷ đồng ở lĩnh vực này vào năm 2016.
Như vậy, có thể thấy rằng bằng việc đầu tư ồ ạt của các tập đoàn lớn trong nước, hoàn toàn có thể dự báo thị phần thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ không còn bị thao túng bởi các DN FDI. Vì nếu chỉ tính riêng sản lượng của 4 tập đoàn: Masan, Hùng Vương, Hoà Phát và Sao Mai thì đã có thể chiếm trên 50% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi cung cấp ra thị trường.
Điều này có nghĩa rằng những nhìn nhận kiểu như: “DN FDI mặc dù sở hữu chỉ có 58 nhà máy thức ăn nhưng chiếm 60 – 65% thị phần” mà lâu nay Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cũng như dư luận trong nước phản ánh sẽ không còn đúng trên thực tế.
Và điều này cũng phản ánh rằng thị trường thức ăn chăn nuôi trong những năm tới đây sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt khi mà vốn nội và vốn ngoại đã trở nên ngang ngửa ngay trước thềm hội nhập Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).