Thúc đẩy công tác dạy nghề
Dự kiến dành 141 tỷ đồng xây dựng 7 cơ sở giáo dục nghề nghiệp | |
Thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia giáo dục dạy nghề |
Kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, cùng với những cải cách thể chế của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2018. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nội tại cố hữu, sâu xa là năng suất lao động vẫn sẽ là lực cản với nền kinh tế nếu không kịp thời có biện pháp triệt để.
Phát triển doanh nghiệp tại địa phương - tăng khả năng tham gia của lao động |
Lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam đang ngày càng giảm dần do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa kịp tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn bấp bênh, tăng trưởng năm 2018 đối diện với nhiều áp lực và thách thức, đó là nhận định từ Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, vừa công bố mới đây.
Vấn đề năng suất lao động của Việt Nam còn thấp cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết ngành lao động – thương binh và xã hội. Cụ thể hơn Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” còn được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Vì vậy VEPR đặt vấn đề cần phải hiểu thị trường lao động mới kỳ vọng tăng năng suất.
Đúng như chia sẻ của PGS - TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, năng suất của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, bằng 1/15 lần so với Singapore, 1/5 lần so với Malaysia, thậm chí kể cả khi so sánh với Campuchia. Gốc rễ của vấn đề vẫn là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt nhu cầu của thời cách mạng công nghiệp 4.0. Bước vào thời kỳ này, Việt Nam chưa sẵn sàng cả về công nghệ và nhân lực.
Đứng trên bình diện xã hội, mức độ tăng lương và năng suất lao động tại Việt Nam cho thấy tốc độ tăng tiền lương có sự liên quan đến sự điều chỉnh tăng lên nhanh của lương tối thiểu. Điều này dẫn tới làm giảm mức tăng trưởng việc làm và làm giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.
Qua khai thác hai bộ số liệu là Điều tra lao động việc làm trong 10 năm (2007 đến 2016) và Điều tra chuyển tiếp từ trường học tới việc làm trong hai năm 2012 và 2015, các tác giả đã phát hiện một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực hộ gia đình hoặc phi chính thức không đúng với chuyên môn được đào tạo, đồng nghĩa với việc họ ít có điều kiện tích lũy kỹ năng. Họ cũng có khuynh hướng ít được hưởng bảo hiểm xã hội hơn. Và nguy cơ là năng suất không được cải thiện trong tương lai với nhiều rủi ro hơn.
Thêm nữa, tìm kiếm việc làm thường qua các quan hệ cá nhân chứ không phải qua các trung gian chuyên nghiệp trên thị trường, cho thấy một thị trường lao động thực thụ chưa phát triển. Kết quả là các chính sách thúc đẩy lao động việc làm của Nhà nước thường ít phát huy tác dụng.
Báo cáo chỉ ra nhiều bất cập cản trở khả năng lan tỏa năng suất lao động. Một trong những vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường. Đồng thời, cấu trúc thị trường chưa được hoàn thiện cũng dẫn tới việc chi phí tuyển dụng còn cao, tạo áp lực kinh tế lên thực tập sinh, dẫn tới hiệu quả cải thiện năng suất của lao động Việt Nam tại nước ngoài còn thấp.
Có một thực tế là, hiện tại Việt Nam đang tồn tại hai hệ thống đào tạo nhân lực. Một hệ thống giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý gắn nhiều với doanh nghiệp hơn. Trong khi hoạt động của các doanh nghiệp là hướng tới việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng thì nhiều trường đại học, cao đẳng lại hướng tới mục tiêu phát triển tri thức lâu dài.
Sự không ăn khớp giữa cung và cầu về trình độ chuyên môn trên thị trường lao động dẫn tới sự kém hiệu quả và làm tăng chi phí cơ hội về thời gian cũng như nguồn lực của các gia đình khi đầu tư vào giáo dục.
Nhiều chuyên gia băn khoăn rằng, nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì năng suất lao động Việt Nam sẽ khó mà tăng. Phản hồi những lo ngại này, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Chính phủ đã giao bộ đánh giá và dự báo cung cầu thị trường lao động.
Tuy nhiên để có thể xây dựng hệ thống thị trường lao động, việc làm minh bạch, hiệu quả cần nhiều giải pháp, trong đó giáo dục nghề nghiệp là giải pháp mang tính chất căn cơ, bền vững để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó, từng bước chuyển đổi nhận thức về giáo dục nghề nghiệp trong nhân dân, trong thanh niên để hiểu rằng, đại học không phải là con đường duy nhất lập thân lập nghiệp. Trong khi chờ cơ quan nhà nước chuyển động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiến ra thị trường, vừa tổ chức sản xuất kinh doanh vừa chủ động tự đào tạo nghề cho công nhân như Xúc xích Đức – Việt. Một mặt thuê đất của địa phương lập cơ sở sản xuất với cam kết thuê nhân lực tại chỗ, cứ lấy 2 sào đất (tương đương 720 m2) sẽ phải sử dụng 1 lao động của địa phương, tổng cộng công ty có nghĩa vụ phải sử dụng 50 lao động.
Mặt khác, mời chuyên gia từ Đức sang truyền nghề cho công nhân nhằm đảm bảo vừa có kiến thức chuyên môn vừa được thực hành tại chỗ - một vòng khép kín tránh lãng phí nguồn lực. Sau 5 năm hoàn vốn, đến nay doanh thu Xúc xích Đức – Việt đạt 30 triệu USD/năm, thu hút 200 lao động, đảm bảo lương 1 nhân viên 85 triệu đồng/ năm, sản phẩm tiêu thụ toàn quốc.
Trong bối cảnh già hóa dân số, hiện mỗi năm chỉ có khoảng 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động - tốc độ tăng cung lao động trẻ của Việt Nam đang giảm trong giai đoạn gần đây, vấn đề không tích lũy đủ kiến thức và kỹ năng của lao động trẻ có thể dẫn đến việc thiếu hụt về cung lao động trong tương lai, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
Do đó, thúc đẩy sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương cũng sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm, từ đó nâng cao khả năng tham gia thị trường và lựa chọn nghề nghiệp cho lao động trẻ.Vì thế mô hình Xúc xích Đức – Việt càng cần được nhân rộng.