Thương hiệu khốn đốn vì hàng giả
Thời trang ngoại lập lờ nhãn mác | |
Tăng cường chống gian lận thương mại |
75% là hàng lậu, hàng giả
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Công ty TNHH L’OREAL Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng nhãn hàng mỹ phẩm của L’OREAL, hiện 75% sản phẩm bán tại Việt Nam là hàng giả, hàng lậu. Hàng chính phẩm chỉ cung ứng tại một số hệ thống trung tâm thương mại cao cấp như Takashiyama, Diamond và Pakson. Các “thủ phủ” hàng giả tại TP. HCM có thể kể đến như các cửa hàng mỹ phẩm tập trung quanh chợ Kim Biên quận 5, quận 10, Gò Vấp.
Bà Trinh khẳng định: “Sản phẩm được quảng bá là hàng xách tay hay hàng chính hãng mang nhãn L’OREAL bán trên các trang mạng thương mại điện tử nổi tiếng của Việt Nam là hàng lậu và hàng giả. Thậm chí một số trang online còn rao bán nước hoa có giá 350.000 đến 450.000 đồng/chai là những loại nước hoa mà người mua có thể tìm thấy ở chợ Kim Biên chỉ với giá 85.000 đồng/chai”.
Những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như ống tiêm vaccine Infanrix, kem đánh răng Sensordyne, viên thuốc kháng sinh Zinnat (của Công ty Dược phẩm và Chăm sóc sức khỏe của Pháp GSK), thuốc vatarel, conversil, daflon… (liên quan đến bệnh tim mạch, cao huyết áp của Công ty SERVIER)… đang bị xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, và bày bán tràn lan tại thị trường Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hương, đại diện công ty Lacoste cho biết, năm 2017 đã phát hiện 85 vụ việc liên quan đến nhãn hiệu này. Đơn cử, có 5 DN sản xuất hàng giả Lacoste, mỗi năm có thể sản xuất từ 500.000 đến 600.000 sản phẩm giả nhãn hiệu Lacoste đưa ra thị trường. Sản phẩm giả nhãn hiệu Lacoste xuất khẩu sang Campuchia và chuyển sang Thái Lan rồi chuyển về Việt Nam để hợp thức hoá là hàng chính hãng.
Điều đáng lo ngại là tình trạng hàng giả và hàng nhái thương hiệu đã và sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến chiến lược đầu tư của các DN chính hãng tại Việt Nam. Đại diện L’OREAL khẳng định, hiện DN đã phải rút một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam do hàng giả quá nhiều.
Đại diện Công ty Lacoste cũng khẳng định thêm, công ty đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam vì đánh giá đây là thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm.
DN phải tự bảo vệ mình?
Nhiều DN cho rằng, hiện hệ thống quản lý của cơ quan chức năng liên quan chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí, các cơ quan chức năng khó để xác định được đầu mối bán buôn, bán lẻ hàng gian, hàng nhái, do đối tượng vi phạm hoạt động rất tinh vi, chia nhỏ thành nhiều khâu, phân tán nhiều khu vực. Sản phẩm giả cũng được giao hàng theo hình thức cuốn chiếu nên cơ quan chức năng cũng không thể căng người kiểm soát được… Với người tiêu dùng, tâm lý chuộng hàng ngoại có thương hiệu nhưng ham giá rẻ chính là cơ hội để đối tượng kinh doanh hàng gian, hàng giả tồn tại.
Thông thường, hàng chính hãng có thể có giá từ tiền triệu trở lên, nhưng nếu mua ở chợ thì chỉ khoảng 20.000 - 50.000 đồng, và trên trang mạng điện tử có giá khoảng 40.000 - 250.000 đồng. Bà Trịnh Thị Thuý Hằng, Giám đốc React Việt Nam bức xúc góp ý, tại những hội chợ triển lãm, cũng xuất hiện rất nhiều hàng gian, hàng nhái thương hiệu, thậm chí sản xuất ngay tại địa phương.
Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trước hiện trạng này, DN phải tự bảo vệ mình bằng việc đầu tư trang thiết bị và chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, DN phải phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật để thông tin đầy đủ nhanh chóng về hàng chính hãng để đấu tranh chống hàng giả.
Ngoài ra, DN cần tổ chức tuyên truyền để giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về sản phẩm của mình và thậm chí có thể khen thưởng khi người tiêu dùng phát hiện hàng giả, hàng nhái.
Khẳng định sẽ thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, ông Kiều Nghiệp, Trưởng phòng chống hàng giả Cục Quản lý thị trường cho biết, các lực lượng chức năng sẽ chủ động triển khai thống kê, điều tra, phân loại đối tượng, hàng hóa... từ đó rà soát giám sát các nhãn hàng có nguy cơ bị làm giả thông báo cho DN để phối hợp theo dõi giám sát.