Thời trang ngoại lập lờ nhãn mác
Thận trọng với hàng giảm giá dịp Tết | |
Hàng lậu, hàng giả “đến hẹn lại lên” |
Ngày càng tinh xảo
Câu chuyện hàng loạt tấn quần áo, giày, phụ kiện thời trang, túi xách, linh kiện điện thoại mang nhãn hiệu Adidas, Gucci, Chanel, Hermes, Apple… bị bắt trong khi vận chuyển vì nhái thương hiệu không còn quá xa lạ. Thế nhưng đến nay, tình trạng đó vẫn còn tiếp diễn và ngày càng tinh vi hơn.
Quản lý lỏng lẻo tạo cơ hội cho các nhãn hàng thời trang đánh lừa người tiêu dùng |
Sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng thương hiệu gần giống thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài được bày bán tại các cửa hàng, trung tâm thương mại sang trọng với giá rất cao. Điều này tạo cho khách hàng một cảm giác đang được mua sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng.
Khảo sát thị trường, một chiếc áo măng tô của hãng Valentino của Ý có giá 4.000USD tương đương 92 triệu đồng. Thế nhưng, trên thị trường Việt Nam có những sản phẩm cũng gắn chữ Valentino như Valentino Creations nhưng lại không phải hàng Ý mà giá lên tới 60 triệu đồng.
Hay những chiếc áo da thương hiệu LARE BOSS của Ý được bày bán tại các trung tâm thương mại với giá 51 triệu đồng. Khi được hỏi về nhãn mác cũng như nguồn gốc xuất xứ, hầu hết nhân viên đều khẳng định là hàng nhập khẩu từ Ý. Nhưng cũng có trường hợp, một số nhân viên “quên bài”, trả lời sản xuất ở Việt Nam và không giải thích rõ nguồn gốc sản phẩm cho khách hàng.
Những thương hiệu thời trang nhái vẫn được bày bán tại các cửa hàng, trung tâm thương mại với giá rất đắt đỏ nhưng sức mua vẫn cao. Điều này đặt ra một câu hỏi thực sự người tiêu dùng có biết đến thực trạng này hay không.
Chị Mai Ca – trú tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng cho biết, chị thường mua đồ hiệu đi du lịch nước ngoài hoặc đặt trực tiếp từ hãng bên nước đó để người ta chuyển về cho chị. Ở Việt Nam, khi có dịp đi Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, chị cũng hay ghé những trung tâm thương mại để mua một số món với giá phải chăng chứ thực sự chị cũng không tin tưởng vào chất lượng.
Bây giờ, nhiều nhãn hàng sản xuất rất tinh vi, nhìn bằng mắt thường không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Nhưng theo chị, nếu những cửa hàng vẫn tiếp tục bán đồ nhái như vậy thì sẽ dần dần mất đi niềm tin của người tiêu dùng. Và trong tương lai sẽ không còn tồn tại được nữa.
Hành vi giả mạo những thương hiệu thời trang nổi tiếng không chỉ diễn ra tại các cửa hàng hay trung tâm thương mại mà còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: bán hàng qua mạng, bán hàng đa cấp… Hầu hết khách hàng không hề biết là hàng Việt Nam, thậm chí là hàng Trung Quốc, hàng gia công kém chất lượng nhưng vẫn phải bỏ ra một số tiền lớn để sử dụng vì tưởng là hàng của các nhãn hiệu nổi tiếng.
Một trường hợp của chị Phương Thảo – trú tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, trước đây chị có mua một túi xách Gucci của người bạn rao bán trên facebook. Người này giới thiệu là hàng được đặt từ hãng và chuyển về Việt Nam cho chị nên giá hơi cao (15 triệu đồng). Nhưng khi nhận hàng thì chị mới biết mình bị lừa vì thiết kế và chất liệu rất kém.
Chị Tiểu Phụng – trú tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, bây giờ nhiều cửa hàng mượn thương hiệu để sản xuất và bày bán nhằm thu lợi nhuận cao chứ chất lượng thì không thực sự xứng đáng với giá tiền mà người mua bỏ ra. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho người tiêu dùng nếu mua phải những mặt hàng như thế. Do đó, mong cơ quan chức năng nên có những biện pháp xử lý nghiêm ngặt tình trạng này để bảo vệ người tiêu dùng.
Đẩy mạnh công tác quản lý
Liệu cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là cơ quan quản lý thị trường đã có những biện pháp đủ mạnh để xử lý nghiêm các trường hợp này hay chưa. Nhưng rõ ràng những bất cập trong khâu quản lý đã và đang tạo cơ hội cho các nhãn hàng thời trang đánh lừa người tiêu dùng.
Để bảo vệ trật tự quản lý nhà nước cũng như bảo vệ các doanh nghiệp và môi trường đầu tư thì cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm ngặt tình trạng này.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký quyết định số 334/QC-BCT phê duyệt kế hoạch đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm từ nay cho đến hết năm 2020.
Mục đích nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ; triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả từng phần nội dung Đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng xác định rõ địa bàn trọng điểm gồm 20 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường cần tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật; trao đổi nội dung cụ thể với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức việc nắm tình hình, thẩm tra, xác minh và kiểm tra, xử lý theo quy định.
Chỉ đạo, theo dõi, giám sát quá trình kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm hành chính; quá trình kiểm tra nếu phát hiện sai phạm của các tổ chức, cá nhân thì căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi, lĩnh vực quản lý và thẩm quyền của từng ngành chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển giao các đơn vị theo thẩm quyền…
Đây có thể xem là lời tuyên chiến của cơ quan chức năng đối với vấn nạn này. Vì thế, để hỗ trợ xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng nên cẩn trọng và nói không với những mặt hàng này.