Gian nan ngăn chặn hàng giả, hàng nhái dịp Tết
Đừng để hàng giả, hàng nhái có đất “diễn” Cần mạnh tay hơn với hàng giả, hàng nhái Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong dịp Tết |
Lương thực, thực phẩm trở thành ngành hàng bị làm giả, làm nhái nhiều trong những năm qua |
Tết cận kề, hàng giả, hàng nhái lại nóng
Yến sào Khánh Hoà là một trong số những mặt hàng được ưa chuộng làm quà Tết nhưng ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty yến sào Khánh Hòa không khỏi lo lắng vì nhiều đối tượng tìm đủ mọi cách để làm giả sản phẩm yến của công ty. Ông Thắng cho biết, sản phẩm yến của doanh nghiệp có hàm lượng yến từ 7,5% - 27%. Trong khi đó, nhiều sản phẩm giả mạo, nhái thương hiệu của doanh nghiệp quảng cáo lên tới 39%, thậm chí có chỗ quảng cáo lên tới 70%. "Khi chúng tôi đưa mẫu đi kiểm nghiệm thì hàm lượng yến chỉ có 0,01%, thậm chí có hũ yến chưng được chào giá chỉ 8.000 đồng, trong khi giá hàng thật là 38.000 - 40.000 đồng/lọ. Biên độ lợi nhuận quá lớn, khiến nhiều đối tượng tìm đủ mọi cách để làm giả sản phẩm yến.
Không chỉ riêng mặt hàng này, mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, phụ tùng linh kiện xe máy đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như gia vị, khăn giấy, bánh kẹo, nước giải khát… đều có nguy cơ bị làm giả rất cao. Đặc biệt, giai đoạn cuối năm và cận Tết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. Chỉ cách đây vài ngày, các đơn vị chức năng của Tổng cục Quản lý thị trường đã phát hiện, tạm giữ hơn 200.000 sản phẩm lon bò húc có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Trước đó, hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc, nghi hàng giả, đã bị cơ quan này phát hiện và tạm giữ sau cuộc kiểm tra đột xuất tại một cơ sở kinh doanh ở số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Trước nhu cầu tiêu dùng của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, dự báo tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện sẽ có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử (đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) mua, bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Tìm sự đồng thuận của xã hội để hiệu quả bền vững
Tuy nhiên, công cuộc chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ chưa bao giờ dễ dàng. Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội chia sẻ, việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không đơn giản. Các trang bán hàng trên thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, là chung cư…tuy nhiên lực lượng quản lý thị trường không có thẩm quyền trong việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở...
Đối với hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhập lậu vào Việt Nam, ông Vũ Hoài Linh - Phó Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, vị trí địa lý của Việt Nam có biên giới đường bộ trải dài 4.510 km giáp ranh với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; bờ biển Việt Nam dài 3.260 km từ Bắc vào Nam. Các đối tượng buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã triệt để lợi dụng những đặc điểm này để buôn bán, vận chuyển hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, sự phát triển bùng nổ của sàn thương mại điện tử khiến các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bùng phát, thông qua nhiều con đường (đường xuất nhập khẩu chính ngạch; đường thẩm lậu qua biên giới - đường mòn lối mở; qua chuyển phát nhanh, bưu chính…) để đưa hàng giả vào Việt Nam. Ngoài ra, việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử ngay cả một số nước phát triển có hệ thống máy móc, thiết bị kiểm tra tiên tiến, hiện đại cũng gặp khó khăn trong khi ở Việt Nam, tuy đã được Nhà nước đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế về máy móc, thiết bị kiểm tra, ông Vũ Hoài Linh thông tin.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận định, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tồn tại do sự bất chấp vì lợi nhuận của người kinh doanh, sự dễ dãi của người tiêu dùng và chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Hàng giả làm trì trệ kinh tế, gây bất ổn xã hội, thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ các bộ, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, một chuyên gia khác khẳng định, cùng với công tác kiểm tra, xử lý cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để mở rộng phạm vi và hình thức tuyên truyền, giúp mọi người nắm rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một thị trường lành mạnh, bền vững. Bởi, mọi hoạt động muốn đạt được hiệu quả cao không chỉ cần có sự quyết tâm cao độ của cơ quan chức năng mà còn cần có sự đồng thuận từ xã hội và người dân. Chỉ khi mọi người dân, doanh nghiệp đều nhận thức sâu sắc và tự giác tuân thủ pháp luật thì mới có thể xây dựng một thị trường lành mạnh, công bằng và phát triển bền vững, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.