Thương hiệu “Quân đội” có thể lật ngược thế cờ?
Ảnh minh họa |
Không khí giao dịch của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có lẽ đã khá ảm đạm nếu như không có lực đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tính đến thời điểm này, hầu hết các cổ phiếu ngành này đều tăng điểm mạnh mẽ, điển hình có VCB (+3,9%), ACB (+2,3%), CTG (+6,1%), BID (+3,8%), tuy nhiên, nổi bật nhất theo một số NĐT là MBB (ngân hàng Quân đội) khi đóng cửa tăng trần với hơn 10,4 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Chứng kiến sự tăng giá đột phá của MBB, một số NĐT đã đặt câu hỏi là liệu có một lớp tăng tiếp theo (sau những cổ phiếu đầu ngành) của cổ phiếu ngành Ngân hàng hay không?
Đem câu hỏi đến các nhà phân tích chứng khoán, giới này đưa ra khá nhiều kịch bản cho MBB. Đơn cử, giới phân tích của VDSC cho biết, thanh khoản của cổ phiếu MBB bắt đầu có sự thay đổi đáng kể từ cuối tháng 5/2015 sau thông tin Quỹ đầu tư chứng khoán Con Hổ Việt Nam đăng ký bán hơn 2,7 triệu đơn vị cổ phiếu MBB trong thời gian 3/6-2/7.
Tuy nhiên, nếu suy luận việc thanh khoản gia tăng có liên quan đến hoạt động thoái vốn quỹ đầu tư này thì vẫn không đủ để giải thích cho giao dịch đột biến của MBB. Tham khảo ý kiến của chuyên viên ngành Ngân hàng, giới phân tích của VDSC được biết trong nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh của ngành Ngân hàng (STB-MBB-EIB) thì MBB là ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt nhất.
Tuy nhiên, chuyên viên ngành cũng đánh giá đà tăng của MBB khó có thể lan tỏa sang các mã còn lại, đồng thời, NĐT cũng nên lưu ý rằng trong đợt tăng giá vào cuối tháng 1/2015, vùng giá hiện tại là vùng kháng cự khá mạnh đối với cổ phiếu MBB.
Thực tế, chưa thể kết luận ngay MBB có làm nên kỳ tích vượt mặt những thương hiệu lớn như VCB, CTG… hay không? nhưng xét về quá trình, MBB được đề cập là một trong những ngân hàng được đánh giá cao ở một trong hoặc tất cả các mặt về (1) Hệ thống quản trị rủi ro, (2) Kinh nghiệm và khả năng tạo bứt phá ở mảng ngân hàng bán lẻ và (3) Triển vọng lợi nhuận khả quan, gắn liền với sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Trong quá khứ cũng cho thấy, sức nóng của MBB có thể lan tỏa sang các mã còn lại.
Một điểm nữa cũng có thể xét đến thương hiệu Quân đội là mục tiêu phát triển mảng bán lẻ đang mang lại kết quả với tỷ trọng thu nhập từ phí và dịch vụ tăng lên 11,8% trong 9 tháng 2014 từ mức 9,6% của năm 2013. Kế hoạch hợp tác với Viettel nhằm tận dụng ưu thế về mạng lưới của Tập đoàn này để triển khai sản phẩm thu phí, chuyển tiền qua điện thoại hứa hẹn sẽ giúp tỷ trọng thu nhập ngoài lãi tiếp tục cải thiện.
Ngoài ra, tỷ lệ NIM năm 2014 đã phục hồi nhẹ và cao thứ hai (sau STB) trong nhóm các ngân hàng niêm yết. Quản lý chi phí hoạt động hiệu quả nhất trong nhóm các ngân hàng niêm yết. Chính sách cổ tức của MBB khá đều và ổn định…