Thương mại toàn cầu bị tổn thương vì cuộc chiến thuế quan
Đơn cử như Trung Quốc – quốc gia giao dịch lớn nhất thế giới đã chứng kiến hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ giảm mạnh trong tháng trước so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm 27% từ Mỹ có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên sau khi hai nền kinh tế này đã trải qua một năm chiến tranh thuế quan, nhưng mức giảm 16% nhập khẩu từ Nhật Bản và 18% từ Hàn Quốc là bằng chứng cho thấy tác động rộng lớn hơn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Dữ liệu này minh họa tại sao thương mại sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tuần này tại Nhật Bản. Mặc dù tâm điểm chú ý cuộc gặp (nếu có) giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ảnh minh họa |
Không chỉ thương mại toàn cầu bị tổn thương nghiêm trọng mà các dữ liệu được công bố hàng ngày cũng cho thấy tăng trưởng toàn cầu cũng đang bị ảnh hưởng. Một phân tích được công bố vào thứ Hai bởi Bloomberg Economics về danh mục hơn 10.000 loại sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế cho thấy, chúng đã dẫn đến việc giảm 26% giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2019.
Đó là trước khi các cuộc đàm phán Mỹ - Trung mới đây bị phá vỡ và chính quyền Mỹ hôm 10/5 đã tăng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, ông Trump còn đang đe dọa sẽ áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
Với dữ liệu nhập khẩu tháng 5 của Trung Quốc, Robert Koopman - Nhà kinh tế trưởng của WTO nhìn thấy bằng chứng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gợn sóng qua chuỗi cung ứng và kéo chậm lại nền kinh tế thế giới. Hiện các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đang chậm lại vì những lý do từ Brexit đến sản xuất suy yếu ở Trung Quốc đến việc tác động kích thích từ việc cắt giảm thuế thu nhập ở Mỹ đang dần tan biến.
Trong khi đó mới chỉ xét riêng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi hiện ông Trump và các trợ lý của mình cũng đang đe dọa các đồng minh của mình như EU và Nhật Bản bằng thuế quan đối với ôtô với mục tiêu tái cân bằng các mối quan hệ kinh tế của Mỹ.
Thế nhưng chính quyền Mỹ cho rằng, những hành động đó không liên quan gì đến sự chậm lại của kinh tế thế giới, ngay cả khi các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng sự leo thang căng thẳng thương mại là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. “Tôi không tin một chút nào rằng những gì chúng tôi đang làm có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế”, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với một Ủy ban của Quốc hội Mỹ trong tháng này.
Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế lại không nghĩ vậy. “Nền kinh tế Mỹ đã bị ảnh hưởng khi thuế quan của Trung Quốc đánh vào doanh số bán các sản phẩm nông nghiệp. Chưa hết khoảng trống mà các sản phẩm Trung Quốc để lại không dễ lấp đầy trong ngắn hạn, đó sẽ là một cú đánh thứ hai khi các công ty sản xuất của Mỹ thiếu nguyên liệu đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất”, các nhà kinh tế Tom Orleansik và Maeva Cousin của Bloomberg Economics cho biết.
Đáng chú ý, theo các nhà phân tích, chính sách thuế quan của ông Trump đang làm thay đổi dòng chảy thương mại và đang khiến toàn cầu hóa thích nghi hơn là đảo ngược như ông Trump dự định. Trên thực tế, sản xuất đang chuyển sang các nước khác chứ không phải quay về Mỹ như ông Trump kỳ vọng. Phân tích mới đây của Bloomberg cho thấy trong quý đầu năm 2019, doanh số xuất khẩu các sản phẩm bị ông Trump áp thuế của Đài Loan sang Mỹ tăng khoảng 30% so với một năm trước đó, trong khi Hàn Quốc tăng 17%...