Tiền Giang: Nghị định 67 trong khai thác hải sản phát huy hiệu quả
Kéo dài chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 đến hết năm 2017 | |
Bàn giao thêm 3 tàu cá vỏ thép cho ngư dân Quảng Trị | |
Quảng Nam: Hạ thủy tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 |
Thời gian qua, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) của Chính phủ đã được triển khai tại Tiền Giang. Đến nay, Nghị định số 67 đã được nhiều nông dân tiếp cận, thụ hưởng và phát huy hiệu quả (28 tàu đi vào hoạt động có hiệu quả cao). Đạt được điều này là nhờ sự quyết liệt triển khai của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.
Vượt khó
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, Nghị định 67 và các Thông tư hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 thì đến ngày 24/10/2014, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định đầu tiên về phê duyệt danh sách tàu cá đủ điều kiện thực hiện Nghị định.
Sau khi được phê duyệt, việc tiếp theo là hướng dẫn người dân lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật để đóng mới tàu cá, hướng dẫn lập hồ sơ để hưởng chi phí hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm. Ban đầu việc lập hồ sơ thiết kế gặp khó khăn. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động liên hệ với các đơn vị tư vấn thiết kế tàu, các cơ sở đóng tàu để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu lựa chọn đơn vị tư vấn cũng như các cơ sở đủ điều kiện đóng tàu.
Nhờ quyết liệt triển khai của các ngành các cấp, Nghị định 67 đã được nhiều nông dân tiếp cận, thụ hưởng |
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng đã chủ động tổ chức 2 hội nghị tại các huyện thị khu vực phía đông và tại TP. Mỹ Tho để các NHTM chủ động tiếp cận các chủ tàu, xúc tiến việc thỏa thuận lập phương án vay vốn đóng mới, nâng cấp cũng như cho vay vốn lưu động theo quy định. Công ty bảo hiểm PVI (đơn vị được chỉ định bán bảo hiểm theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh) cũng đã tiếp cận với các chủ tàu cá để hướng dẫn người dân tham gia chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn, tiếp cận xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho các tàu cá hành nghề dịch vụ hậu cần khai thác hải sản.
Sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách các chủ tàu cá đóng mới, nâng cấp, khó khăn đầu tiên để triển khai thực hiện là việc lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế tàu cá. Nhằm tháo gỡ khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với Trung tâm đăng kiểm Việt Nam (Văn phòng phía Nam) mời các công ty tư vấn thiết kế cùng các chủ tàu cá gặp nhau để thỏa thuận về việc lập hồ sơ thiết kế tàu cá. Sau đó vấn đề này được tháo gỡ. Thời gian đầu mất khoảng 45-60 ngày để hoàn thành nhưng nay chỉ cần từ 20-30 ngày là đã hoàn thành hồ sơ thiết kế và dự toán cho tàu đóng mới.
Khó khăn tiếp theo là việc lập hợp đồng tín dụng giữa các NHTM và các chủ tàu cá, hai bên không thống nhất về giá trị đầu tư con tàu. Được sự quan tâm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề xác định tổng giá trị của con tàu đã được giải quyết. Đến ngày 19/3/2015, 2 hợp đồng tín dụng đầu tiên giữa các chủ tàu cá đã được ký kết. Ngày 7/6/2015, con tàu dịch vụ hậu cần đầu tiên đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã được hạ thủy và đi vào hoạt động.
Đạt kết quả khả quan
Đối với tàu đóng mới, hiện tại các NHTM đã ký 33 hồ sơ tín dụng trong tổng số 41 chỉ tiêu được giao; trong đó đã có 33 tàu khởi công, hạ thủy 30 tàu ( 28 tàu đi vào hoạt động có hiệu quả cao), còn lại 3 tàu đang thi công. Đối với 8 tàu còn lại, trong đó có 1 tàu (tàu khai thác hải sản vỏ thép) đã được UBND tỉnh duyệt đủ điều kiện ban đầu tham gia theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg, còn 7 tàu đang thương thảo với ngân hàng về mức vay do giá thép, gỗ đóng tàu đột biến tăng cao. Đến nay tổng số vốn các NHTM cam kết cho vay là 216,69 tỷ đồng, đã giải ngân 201,05 tỷ đồng.
Đối với vay vốn nâng cấp, có 63 tàu được duyệt danh sách tham gia nâng cấp tàu cá. Tuy nhiên, các chủ tàu này chưa thực hiện các thủ tục như thiết kế, hợp đồng vay vốn. Qua tìm hiểu được biết, tâm lý chung của các chủ tàu là muốn mua máy thủy đã qua sử dụng lắp đặt để có giá thành thấp, mau thu hồi vốn, tuy nhiên nguồn máy thủy này tương đối hiếm do thủ tục nhập khẩu khắt khe hơn. Mặt khác, do cơ chế cho vay của các ngân hàng đối với vay nâng cấp tàu cá có nhiều bất cập, người dân chưa thể tiếp cận được (như cho vay ngư cụ, trang thiết bị đòi hỏi phải có văn bản chấp thuận của Chi cục Thủy sản). Đến nay các NHTM mới ký hợp đồng cho vay nâng cấp với tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng, số dư nợ là 1,5 tỷ đồng.
Về hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm, đến nay có 466 tàu cá đăng ký và được phê duyệt hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm. Hiện Công ty bảo hiểm PVI đã bán bảo hiểm cho 231 tàu cá, trong đó mua bảo hiểm thân tàu là 183 tàu; 230 tàu mua bảo hiểm thuyền viên với 2.446 thuyền viên; 42 tàu mua bảo hiểm ngư lưới cụ; 69 tàu mua bảo hiểm rủi ro đặc biệt với tổng kinh phí hơn 9,845 tỷ đồng, trong đó kinh phí đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ là hơn 8,7 tỷ đồng.
Đối với hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, tàu dịch vụ hậu cần đăng ký tham gia vận chuyển hàng hóa được UBND tỉnh phê duyệt là 151 tàu. Từ khi triển khai đến nay đã hỗ trợ 2.058 hồ sơ/2122 hồ sơ với tổng số tiền là 83.840 triệu đồng. Đối với hỗ trợ vay vốn lưu động, có 275 tàu cá đăng ký và được phê duyệt tham gia chính sách vay vốn lưu động. Đến nay đã có 27 khách hàng vay vốn với tổng số tiền là 17,09 tỷ đồng, số dư nợ là 1,98 tỷ đồng.
Nghị định 67 tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển, tạo đột phá trong việc tổ chức lại sản xuất nghề cá |
Để ngư dân dễ tiếp cận Nghị định 67 hơn
Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, góp phần vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, phát triển đội tàu khai thác xa bờ (ưu tiên phát triển tàu cá vỏ thép) hướng đến một ngành khai thác hải sản chuyên nghiệp, bền vững, là động lực mạnh mẽ tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển, tạo đột phá trong việc tổ chức lại sản xuất nghề cá, nâng cao đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đánh giá, nhìn chung tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua thuận lợi và đạt được một số kết quả rất tốt, chính sách của Nhà nước được thực hiện kịp thời, người dân được tiếp cận nhanh chóng và hưởng được nhiều lợi ích từ chính sách này.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc gây hạn chế. Cụ thể, về chính sách bảo hiểm, hiện nay nhiều bà con rất ngại mua bảo hiểm theo đơn vị bảo hiểm đã được chỉ định (PVI) của Bộ Tài chính do hầu hết bà con đã có quan hệ và mua bảo hiểm của các đơn vị quen thuộc đã từng mua bảo hiểm trước đây. Việc các chủ tàu đă đăng ký đóng mới, đăng ký chính sách bảo hiểm được UBND tỉnh phê duyệt, sau đó xin không thực hiện hoặc chờ đợi chính sách thay đổi hoặc xin thay đổi công suất máy, thay đổi vật liệu đóng tàu cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện.
Để ngư dân dễ dàng tiếp cận Nghị định 67 hơn trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang kiến nghị: Cần nghiên cứu giảm bớt các giấy tờ trong việc mua bảo hiểm đối với các tàu cá được hưởng chính sách theo Nghị định 67.
Hiện nay ngoài điều kiện tàu cá phải là thành viên của tổ, đội, hợp tác xã hai thác; tàu cá phải cần 8 loại giấy tờ khi mua bảo hiểm bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; Giấy phép hai thác thủy sản/giấy đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; Sổ đăng kiểm tàu cá; Sở danh bạ thuyền viên; bảng kê chi tiết ngư lưới cụ; văn bản xác nhận của UBND cấp xã về đối tượng được hỗ trợ; Tài liệu chứng minh giá trị con tàu (ví dụ với tàu cá thì chỉ cần có giấy phép khai thác thủy sản là hiển nhiên có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và Sổ đăng kiểm tàu cá).
Bên cạnh đó, việc quy định các tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm phải có tên trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt ban đầu làm mất nhiều thời gian và không thực sự cần thiết (các tàu cá chỉ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định để mua bảo hiểm tại Công ty được chỉ định; UBND tỉnh chỉ xem xét, phê duyệt kinh phí hỗ trợ khi Công ty bán bảo hiểm cho tàu cá.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, năm 2017, dự toán kinh phí thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 101,242 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ vận chuyển hàng hóa 61,6 tỷ đồng, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu 34,856 tỷ đồng, hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên 915 triệu đồng, hỗ trợ bảo hiểm ngư lưới cụ, trang thiết bị 3,871 tỷ đồng) |