Tìm hướng quản lý bản quyền thời 4.0
Vi phạm bản quyền trong hội họa: Câu chuyện chưa biết bao giờ có hồi kết | |
Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Phải tận dụng được “điểm mờ” | |
“Trọng tài” trong mỹ thuật - nhiếp ảnh |
Việt Nam đã có khung pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, tham gia nhiều hiệp định quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy, nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các biện pháp phạt vi phạm không đủ mạnh nên chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, công tác chống xâm phạm bản quyền, bảo vệ bản quyền tác giả sẽ vẫn là thách thức với cơ quan quản lý, trong bối cảnh công nghệ thông tin không ngừng phát triển và các đối tượng sống nhờ xâm phạm bản quyền ngày càng có thêm nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi hơn nữa.
Ảnh minh họa |
Như chia sẻ của đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, xâm phạm bản quyền trong âm nhạc có lẽ là lớn nhất trong bối cảnh nghe nhạc trực tuyến ngày càng phổ biến. Có ca khúc vừa ra đời đã lập tức xuất hiện trên các trang nghe nhạc trực tuyến trôi nổi, trong khi tác giả, ca sĩ thể hiện ca khúc đó lại không được đảm bảo quyền lợi.
Hiện tượng xâm phạm bản quyền không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, sách điện tử… mà truyền hình cũng đang phải đối mặt với vi phạm bản quyền như sử dụng chương trình truyền hình mà không xin phép…
Đại diện Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc chia sẻ, tình trạng này cũng khá phổ biến tại Hàn Quốc, đặc biệt trên các lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, truyền hình... Có những bộ phim vừa ra mắt đã lập tức có ngay trên Youtube, Facebook... làm thiệt hại cho nhà sản xuất cũng như làm đau đầu các cơ quan chức năng.
Dẫn chứng trên càng chứng tỏ vấn nạn xâm phạm bản quyền không còn là thách thức của riêng một quốc gia nào. Để phòng chống vấn nạn xâm phạm bản quyền trên môi trường số và Internet, các quốc gia không thể đơn độc mà cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo nên một mạng lưới, với những biện pháp, chế tài mạnh.
Đứng trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hai nước - Hàn Quốc và Việt Nam phải cùng nhau tìm cách ứng phó hiệu quả. Trước mắt, cần sớm khắc phục những khó khăn, tồn tại bằng việc bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; tăng cường giám sát cũng như năng lực quản lý để bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan.
Nhận thức rõ sáng tạo trí tuệ là một trong những tài nguyên quan trọng của đất nước. Bảo vệ bản quyền tốt sẽ giúp cho ngành công nghiệp dựa trên bản quyền phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ bản quyền, thông qua một loạt các hoạt động, từ việc xây dựng chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các bên liên quan; tuyên truyền, nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề tôn trọng và bảo vệ bản quyền, hỗ trợ các ngành công nghiệp bản quyền phát triển. Hàn Quốc còn thành lập Hiệp hội bản quyền tại nước ngoài để liên kết ứng phó; giám sát tổng hợp các trang web lậu, các tác phẩm phát sóng lậu và chặn nguồn lợi nhuận trên các trang web lậu.
Trước thực trạng này, chuyên gia của Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc khuyến nghị càng cần tăng cường giao lưu mạnh mẽ trong lĩnh vực bản quyền giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 trong số 15 quốc gia là đối tác xuất khẩu chính của Hàn Quốc trong lĩnh vực bản quyền.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về bản quyền, thiết lập hệ thống bảo hộ, tạo thuận lợi cho việc sử dụng hợp pháp của công chúng đối với các đối tượng được bảo hộ bản quyền sẽ tạo nền móng cho việc thúc đẩy sáng tạo những nội dung có chất lượng cao, các hoạt động này như là điểm khởi đầu cho việc đạt được sự phục hưng văn hóa và hiện thực hóa nền kinh tế sáng tạo.