Vi phạm bản quyền trong hội họa: Câu chuyện chưa biết bao giờ có hồi kết
Nhức nhối vi phạm
Mới đây, hàng loạt họa sĩ ở nước ta “kêu trời” bởi những tác phẩm của mình bị xâm phạm, sử dụng trái phép. Điển hình là họa sĩ Hà Hùng Dũng, anh cho biết rất nhiều bức tranh sơn dầu, màu nước của anh đã bị một đơn vị tranh tường tại Hà Nội chép lại thành tranh tường và tranh treo trang trí tại một khách sạn 5 sao ở Sapa. Thậm chí, trên trang mạng xã hội của đơn vị này cũng công khai quảng bá các sản phẩm tranh tường, tranh chép từ các tác phẩm của họa sĩ Hà Hùng Dũng khi chưa được sự đồng ý, cho phép của họa sĩ.
Tương tự, bộ tranh sơn dầu “Thiếu nữ và hoa sen” của họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh đã bị chép thành tranh tường trang trí tại một nhà hàng cà phê ở TP.HCM. Tranh lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn được sao chép trái phép lên một quán cà phê ở Nha Trang, bộ tranh “Những kẻ điên” của họa sĩ Bùi Thanh Tâm bị chép lên tranh tường tại một quán cà phê ở Hải Phòng…
Đồng cảnh ngộ, họa sĩ Bùi Trọng Dư vừa qua bức xúc lên tiếng, bộ tranh “Ao sen” được anh sáng tác năm 2011, nhiều năm qua và gần đây bị một số công ty in lên những chiếc áo dài. Tất cả những mẫu áo dài in bức tranh “Ao sen” của các công ty nhưng phía sử dụng bức tranh không hề xin phép hoặc được sự đồng ý của họa sĩ Bùi Trọng Dư.
Tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng (trái) bị sao chép lại lên tường (bên phải) khi chưa được sự đồng ý của tác giả |
Theo chia sẻ của họa sĩ Bùi Trọng Dư, họ lấy tranh làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác vào chồng lên và gọi đó “mẫu tự thiết kế”, chào bán quảng cáo công khai trên website và mạng xã hội. “Tôi phát hiện 4 bức tranh của mình đã bị các đơn vị áo dài xâm phạm bản quyền”, họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết. Trước đó, bức tranh sơn mài “Ao sen” từng bị một tiệm bánh ở Hà Nội tự ý sử dụng làm mẫu mã sản phẩm hộp bánh trung thu; cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” sử dụng bức ảnh này làm phông sân khấu nhưng tất cả đều chưa xin phép tác giả. Chỉ sau khi chủ nhân bức “Ao sen” lên tiếng thì các cá nhân, đơn vị mới đưa ra lời xin lỗi và bồi thường tiền bản quyền.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, tình hình tranh giả, tranh chép, tranh nhái theo một phong cách nào đó diễn ra rất phức tạp, khiến các họa sĩ tuyệt vọng về vấn đề bản quyền, không có cách gì bảo vệ được mình. Trong khi đó, các họa sĩ thường cũng không làm đăng ký bản quyền cho sáng tác của mình nên rất khó khởi kiện bên vi phạm. Phần lớn là sau khi phát hiện ra vi phạm, các họa sĩ đều phải tự mình giải quyết theo kiểu gặp gỡ bên vi phạm, yêu cầu họ dỡ bỏ, không được sử dụng hình ảnh của mình nữa.
Cần phải “kêu” đúng nơi, đúng chỗ
Luật sư bản quyền Trần Thị Tám chia sẻ, khi các họa sĩ, chủ sở hữu tác phẩm phát hiện tác phẩm của mình bị giả, bị vi phạm bản quyền các tác giả hãy “kêu lên”, tuy nhiên “kêu” với ai và có căn cứ gì để “kêu” là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng tác phẩm mỹ thuật giả mạo mới được xử lý ở việc truyền thông đưa tin mà chưa được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do vậy mà các vụ lùm xùm xoay quanh chuyện giả mạo tác giả, rồi tác phẩm mỹ thuật sao chép… chưa đi đến cùng.
Bản chất của quan hệ quyền sở hữu trí tuệ là quan hệ tài sản - quan hệ dân sự. Cơ quan nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu từ những người bị xâm phạm hoặc những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Các tác giả không yêu cầu (chỉ đưa tin trên các phương tiện truyền thông), thì các cơ quan nhà nước không giải quyết là phù hợp quy định của pháp luật.
Cũng theo luật sư bản quyền Trần Thị Tám, nguyên nhân vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật đến từ nhiều phía khác nhau, từ tâm lý của người sáng tạo, nhu cầu của thị trường cho đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế. Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa hiệu quả. Điều này xuất phát từ việc nhận thức chủ sở hữu tác phẩm mỹ thuật hoặc bản thân các họa sĩ về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Bản chất của quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ tiến hành xử lý một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có yêu cầu và yêu cầu đó phải được gửi trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền.
Các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong lĩnh vực mỹ thuật ít được đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà mới chỉ dừng lại ở các biện pháp truyền thông. Các biện pháp truyền thông sẽ có hiệu quả nhất định ở một góc độ nào đó, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp bổ trợ mà không phải là biện pháp mang lại kết quả triệt để.